Không muốn người khác sử dụng đường đi mình đã hiến đất, đầu tư

(PLO)- Một hộ dân ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM đã hiến đất, đầu tư kinh phí mở đường để sử dụng cho gia đình. Nay hộ dân khác muốn sử dụng con đường này, liệu có được không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến báo Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Ngọc Phú (Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trước đây bà có sử dụng phần đất của mình, tự tay đầu tư kinh phí để xây dựng thành đường đi cho khu đất nhà bà. Sau khi hoàn thiện, con đường được giao cho UBND quận Gò Vấp quản lý.

Đến nay, bà Phú được biết chủ nhân khu đất cạnh bên muốn sử dụng con đường này để đi lại nên bà không đồng ý vì cho rằng đây là đất nội bộ và chính bà là người bỏ hoàn toàn chi phí để thi công.

IMG_7043.jpeg
Bức tường là ranh giới giữa phần đất bà Phú đã hiến đất mở đường và phần đất của bà T. Ảnh: HUỲNH THƠ

Không hiến đất, không đầu tư nhưng muốn sử dụng đường

Bà Phú cho biết, vào năm 2019 bà có xin UBND quận Gò Vấp phân lô tách thửa một phần đất của gia đình. Trước khi phân lô bà cũng đã làm đơn xin cam kết đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại khu đất của gia đình bà nhằm tạo điều kiện để tách thửa.

Theo đó, bà Phú được chấp thuận cho đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hiến 194,21m² đất thuộc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Phú để mở rộng hẻm lên thành 272,61m² trên cơ sở hẻm giao thông hiện hữu phía trước.

Thời điểm này, bà Phú có kêu gọi bà T. (người có khu đất kề bên) cùng hiến đất hoặc đóng góp kinh phí để cùng làm công trình. Tuy nhiên, bà T. không đồng ý.

Đến nay, theo bà Phú được biết thì bà T. đã sang nhượng khu đất đó và chủ đầu tư cũng đã tiến hành phân lô để bán nền. Đồng thời, khu đất này sẽ xin đấu nối giao thông, trổ cửa ra tuyến đường hẻm mà bà Phú đã đầu tư trước đó.

Trước việc đấu nối giao thông, đề nghị trổ cửa ra phía hẻm, bà Phú cho rằng chủ khu đất đã xâm phạm vào lợi ích của riêng cá nhân bà và cộng đồng cư dân xung quanh.

“Tuyến hẻm được tôi bàn giao cho Nhà nước để phục vụ giao thông công cộng chứ không phải để phục vụ cho lợi ích cá nhân, không đóng góp gì cho sự phát triển, thay đổi bộ mặt, diện mạo, chỉnh trang lại tuyến hẻm khu dân cư hiện hữu mà lại muốn được hưởng lợi” - bà Phú nói.

Cũng theo bà Phú, khu đất của bà T. từ trước đến nay vẫn đấu nối và lưu thông theo hướng ra mặt tiền đường số 77 Trương Đăng Quế rất thuận tiện, không khó khăn, nên việc muốn sử dụng lối đi mà bà đã đầu tư là không hợp lý.

“Tôi đã có đơn kiến nghị lần một đến các cơ quan chức năng và nhận được văn bản trả lời của UBND quận Gò Vấp tuy nhiên, công văn trả lời của UBND quận theo tôi là chưa thấu tình đạt lý. Do vậy, một lần nữa tôi kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét lại việc xin đấu nối giao thông ra tuyến hẻm mà gia đình tôi đã hiến đất và bỏ kinh phí đầu tư” - bà Phú nói.

Hẻm người dân đã hiến là công trình công cộng

Liên quan đến thông tin phản ánh của bà Phú, ông Đỗ Anh Khang, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp đã có văn bản trả lời bà Phú.

Công văn nêu: khoảng tháng 11-2016, UBND quận Gò Vấp có cấp Giấy phép xây dựng cho bà Phú xây dựng công trình đường giao thông, hệ thống thoát nước ở 83/1 đường Trương Đăng Quế, phường 3.

Theo giấy phép xây dựng do UBND quận cấp có nội dung, bà Phú cam kết sẽ đầu tư hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh đúng theo quy định và sẽ bàn giao phần đất có hạ tầng kỹ thuật, hạng mục hạ tầng kỹ thuật cho cơ quan nhà nước quản lý để sử dụng công cộng.

Bên cạnh đó, biên bản bàn giao công trình đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Hạng mục: Đường giao thông, hệ thống thoát nước tại một phần thửa đất số 501, thuộc hẻm 83/1 đường Trương Đăng Quế, bà Phú đã bàn giao cho UBND quận quản lý.

Do đó, việc trổ cửa và đấu nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật ra hẻm sử dụng công cộng thuộc hẻm 83/1 đường Trương Đăng Quế sẽ do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét giải quyết theo quy định.

Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 248 Bộ Luật dân sự cũng quy định nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề là không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

UBND quận có thẩm quyền quyết định việc sử dụng chung hẻm

Đối với trường hợp người dân có đất, xây dựng hạ tầng và đã bàn giao cho Nhà nước quản lý thì được xem là công trình công cộng. Phần đất người dân đã bàn giao sẽ được Nhà nước quản lý, di tu, chăm sóc.

Đặt trường hợp, một hộ dân sống muốn sử dụng chung con hẻm do một người khác trước đây đã hiến thì sẽ xin ý kiến của cơ quan quản lý mà ở đây là UBND quận. Quyền cho hay không cho hộ dân xung quanh sử dụng chung thuộc về quyền của UBND quận.

Theo đó, khi giải quyết yêu cầu của người dân thì quận sẽ dựa vào tình hình thực tế. Cụ thể, quận sẽ xem xét tình hình an ninh trật tự, tình hình kinh tế, xã hội trong khu vực và lịch sử hình thành con đường,… mới quyết định có chấp nhận cho sử dụng con đường chung hay không.

Mặt khác, người dân trổ cửa trên đường hẻm chung thì phải đưa ra phương án như có thể bỏ thêm phần đất của mình để mở rộng con đường hoặc làm một công trình công cộng khác để phục vụ lợi ích chung của người dân trong khu vực.

Quan điểm của quận là khi xem xét yêu cầu sẽ giải quyết theo hướng hài hòa giữa lợi ích chung của người dân.

Một đại diện UBND quận Gò Vấp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm