Không nên tùy tiện di chuyển người bị tai nạn giao thông

“Điều đáng quan tâm là nạn nhân tai nạn giao thông có thể bị liệt toàn thân hoặc tử vong do di chuyển đến bệnh viện không đúng cách” – ông Hiển lưu ý.

Nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhanh chóng lên xe để cấp cứu trường hợp bị tai nạn giao thông (ảnh chụp sáng 17-2). Ảnh: TRẦN NGỌC 

 Nhân viên y tế Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM nhanh chóng lên xe để cấp cứu trường hợp bị tai nạn giao thông (ảnh chụp sáng 17-2). Ảnh: TRẦN NGỌC

90% tùy tiện di chuyển người bị tai nạn giao thông

Theo ông Hiển, ghi nhận trong hai ngày 15 và 16-2 (tức 27 và 28 Tết) bình quân mỗi ngày có từ 40-50 cuộc gọi tới 115 thông báo tai nạn giao thông, nhiều hơn những ngày trước đó. Tuy nhiên, khi xe 115 đến nơi thì có khoảng 90% trường hợp nạn nhân đã được thân nhân hoặc người đi đường tùy tiện chuyển tới các bệnh viện.

Khoảng 23 giờ 15 phút ngày 15-2, 115 nhận được điện báo có một vụ tai nạn giao thông trên đường Lê Văn Lương (quận 7, TP.HCM) khiến một nạn nhân nam bị chấn thương đầu, bất tỉnh. Nhân viên 115 hỏi tình trạng nạn nhân và yêu cầu không được di chuyển, chờ xe của 115 tới. Thế nhưng khi 115 đến nơi thì nạn nhân đã được người nhà chuyển đến bệnh viện bằng taxi.

Tương tự, 2 giờ ngày 16-2 Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM cũng nhận được cuộc gọi điện thoại thông báo có một vụ tai nạn giao thông giữa xe gắn máy và ô tô trên đường Hồng Hà (Tân Bình, TP.HCM). Khi biết nạn nhân bất tỉnh, nhân viên 115 nhận định nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống nên yêu cầu để nạn nhân nằm yên, chờ 115 tới. Tuy nhiên vì sốt ruột nên người quen đã đón taxi đưa nạn nhân tới bệnh viện.

Gần 18 giờ cùng ngày, điện thoại 115 rung chuông giọng người đàn ông cho biết có một vụ tai nạn giao thông trên đường Bà Hạt (quận 10, TP.HCM) khiến người bạn đi cùng bị đau vùng đùi. Cho rằng nạn nhân có thể bị gãy xương nên nhân viên 115 đề nghị để nạn nhân nằm yên tại chỗ, 115 cho xe đến ngay. Cũng như hai trường hợp trên, nhân viên 115 thất vọng khi nạn nhân đã được người bạn đi cùng đón xe chở tới bệnh viện.

Chớ nên nóng vội

Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Trọng Hiển, cho biết khi nhận được điện báo có vụ tai nạn giao thông thì nhân viên trực điện thoại 115 sẽ hỏi tình trạng bệnh nhân, tỉnh hay bất tỉnh rồi hướng dẫn xử trí ban đầu. Khi nghi ngờ nạn nhân bị chấn thương cột sống, chấn thương cột sống cổ, gãy tay chân… thì nhân viên 115 yêu cầu không di chuyển nạn nhân, chờ xe cấp cứu tới. “Trong trường hợp tai nạn giao thông xảy ra ở địa phương khá xa Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM thì nơi đây sẽ đề nghị bệnh viện địa phương hỗ trợ để kịp thời cấp cứu nạn nhân” – ông Hiển nói.

Theo ông Hiển, nạn nhân bị tai nạn giao thông dễ bị chấn thương đầu, chấn thương cột sống, gãy tay chân… Nếu di chuyển nạn nhân chấn thương cột sống không đúng cách thì có nguy cơ bị liệt. Đối với nạn nhân bị chấn thương cột sống cổ, di chuyển sai động tác dễ dẫn đến liệt toàn thân hoặc tử vong. “Chưa hết, không biết cách di chuyển nạn nhân gãy xương sẽ khiến người bị nạn đau đớn, sốc, dẫn đến tử vong. Do vậy, không nên nóng vội, tùy tiện di chuyển nạn nhân bị tai nạn giao thông nếu có yêu cầu của 115” – ông Hiển khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm