Không phải Trung Quốc hay Mỹ, nước nào mới kết nối kinh tế châu Á?

Hiệp định thương mại lớn nhất trên thế giới - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 quốc gia sẽ giảm thuế quan cho các nền kinh tế thành viên chiếm 1/3 GDP của thế giới. Đặc điểm nổi bật của hiệp định thương mại lớn này là sự đề cao thương mại chuỗi cung ứng.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang bước vào một giai đoạn mở rộng quan trọng mới. số ứng viên đề nghị được tham gia hiệp định này đang tăng, từ Anh, đến Trung Quốc (TQ), Đài Loan và có thể là Hàn Quốc.

Các hiệp định thương mại ngành cũng đang được tích cực bàn bạc. Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số do Singapore, Chile và New Zealand khởi xướng vào năm 2020 đang rất có sức hút, với việc Hàn Quốc và TQ đang nỗ lực gia nhập.

Ăn tối tại một nhà hàng ở quận Marunouchi tại Tokyo (Nhật) hồi tháng 12-2021. Ảnh: BLOOMBERG

Trong các hiệp định trên, Mỹ không tham gia bất kỳ hiệp định nào. Thay vào đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden hứa sẽ ra thỏa thuận trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2022, trong đó có các nội dung tạo thuận lợi thương mại, tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, hợp tác về kinh tế kỹ thuật số, khử carbon, cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn lao động.

Như vậy, trụ cột kinh tế trong chính sách châu Á của Tổng thống Biden sẽ bỏ lỡ nội dung cốt lõi của hội nhập kinh tế, đó là tiếp cận thị trường, theo GS Mireya Solís - chuyên gia về chính sách kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế và hội nhập kinh tế tại Viện Chính sách Brookings (Mỹ).

Hiện chưa có hình dung nào về khả năng Mỹ quay lại CPTPP, không có hiệp định thương mại mới nào được triển khai. Có nguy cơ thực sự là chính quyền ông Biden sẽ không mang lại cho khu vực những gì Mỹ mong muốn nhất: Làm sâu sắc hơn và có tính ràng buộc hơn việc tự do hóa thương mại. Các cuộc đối thoại kinh tế thiếu thực chất sẽ không giúp Mỹ tìm lại được vai trò lãnh đạo trong khu vực.

Ngoại giao kinh tế của TQ thì ngược lại, với việc nước này tìm cách tham gia các hiệp định thương mại lớn để định hình tương lai của quản trị kinh tế từ bên trong. Nhưng TQ không có sự cởi mở mà chỉ thực hành toàn cầu hóa có chọn lọc, chưa kể các hành động ép buộc kinh tế. Bắc Kinh lâu nay vẫn bị gắn với việc bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước và đang gấp đôi nỗ lực bảo hộ kỹ thuật số. Khoảng cách để TQ có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn gia nhập CPTPP ngày càng xa.

Chuyện các công ty nước ngoài gặp khó trong việc tiếp cận thị trường TQ không mới. Theo GS Solís, quy chế cưỡng chế này mang lại lợi ích ngay lập tức cho TQ nhưng có hậu quả tiêu cực lâu dài khi khuyến khích các nước khác đa dạng hóa, phong tỏa các sáng kiến kinh tế mang tính bước ngoặt (ví dụ như thỏa thuận đầu tư giữa TQ với Liên minh châu Âu) và gián tiếp định hình lại các khối hợp tác an ninh như đã chứng kiến trong thỏa thuận AUKUS về cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Úc, Anh và Mỹ đưa ra.

Chiến lược kết nối đặc trưng của TQ - Sáng kiến Vành đai và Con đường - đã nâng cao tầm vóc ngoại giao của nước này. Tuy nhiên, việc theo đuổi tư lợi dai dẳng - với các điều khoản vay khó khăn - đã làm lu mờ vai trò lãnh đạo của TQ.

GS Solís nhận định rằng nước đang có “cơ hội duy nhất” để trở thành nước đi đầu trong việc dung hòa kết nối kinh tế và an ninh kinh tế là Nhật. Tokyo có bề dày thành tích trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực thông qua các hiệp định thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng và các quy tắc kỹ thuật số.

Nhật có lẽ là quốc gia đầu tiên bổ nhiệm một quan chức cấp nội các có chuyên môn an ninh kinh tế và chính phủ đang soạn thảo một dự luật toàn diện về các biện pháp an ninh kinh tế. Cơ hội từ việc này là tạo ra sự cân bằng phù hợp giữa thúc đẩy sự phụ thuộc lẫn nhau và phòng ngừa rủi ro từ việc phụ thuộc này. Nguy cơ từ việc này là sửa chữa quá mức các giới hạn an ninh kinh tế dẫn đến cản trở sự đổi mới và làm giảm động cơ của thương mại và đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm