Trung Quốc trước viễn cảnh kinh tế năm 2022 không mấy sáng sủa

Các chỉ số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc (TQ) được công bố gần đây cho thấy GDP nước này chững lại trong quý cuối của năm 2021, với mức tăng trưởng chỉ 4% - thấp nhất kể từ quý II-2020.

Theo tờ South China Morning Post, tăng trưởng kinh tế cả năm ngoái của TQ đạt 8,1% nhờ sản xuất công nghiệp tăng mạnh và thặng dư thương mại cao, song một loạt thách thức và khủng hoảng chực bùng phát sẽ khiến TQ rất khó duy trì được con số này.

Nếu TQ giữ được đà tăng trưởng ổn định thì tới năm 2028-2030 sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, trước năm 2049 sẽ phình ra gấp đôi nền kinh tế Mỹ. 
Ông YAO YANG, Trưởng Khoa phát triển ĐH Bắc Kinh 
 

Các thách thức nghiêm trọng trong - ngoài

Một thách thức nội tại dễ nhìn thấy là tình trạng già hóa dân số tốc độ nhanh của TQ. Số liệu do Tổng cục Thống kê quốc gia TQ công bố mới đây cho thấy tỉ lệ sinh ở TQ đại lục năm ngoái giảm xuống mức thấp kỷ lục tính từ năm 1960, khi chỉ đạt trung bình 7,52 trẻ/1.000 dân. Số trẻ em được sinh ra trong năm ngoái là 10,6 triệu - thấp hơn con số 12 triệu của năm 2020. Dân số TQ trong năm ngoái chỉ tăng thêm 480.000 nhân khẩu (mức tăng 0,03%).

Giới chuyên gia lo ngại tình trạng này sẽ khiến nỗ lực của TQ nhằm gia cố ổn định thị trường trong nước trước các tác động của đại dịch càng khó khăn hơn. Doanh số bán lẻ vào tháng 12 năm ngoái chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng giảm tới 3,4% so với tháng 11, cho thấy nhu cầu chi tiêu giảm mạnh vì đại dịch và sẽ còn trầm trọng hơn khi dân số không tăng.

Tỉ lệ sinh giảm đồng nghĩa lực lượng lao động giảm, sẽ ảnh hưởng lớn đến vị thế “công xưởng thế giới” và thị trường lớn nhất thế giới. Bên cạnh ngày càng thiếu nguồn lao động trẻ, dân số già hóa đồng nghĩa áp lực lên quỹ lương hưu cũng tăng.

Bên cạnh đó, phải thừa nhận rằng “zero COVID” đã và đang kéo lùi kinh tế TQ. Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group (Mỹ) cảnh báo “zero COVID” là rủi ro kinh tế - chính trị lớn nhất của TQ trong năm 2022. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) dự báo tăng trưởng GDP của TQ năm 2022 sẽ giảm còn 4,3%, tức chỉ bằng hơn một nửa so với kết quả năm qua nếu tiếp tục duy trì chiến lược này.

Người dân Trung Quốc tại một khu mua sắm ở TP Thượng Hải hồi tháng 7-2021. Ảnh: REUTERS

Về thách thức bên ngoài, dễ nhìn thấy nhất là kinh tế TQ sẽ phải tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ lạm phát toàn cầu tăng cao và việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn - phần lớn nguyên nhân từ chính sách “zero COVID” của TQ.

Thêm nữa, năm 2022 này, khả năng lớn căng thẳng Mỹ - Trung sẽ leo thang hơn và ở đa lĩnh vực, theo một báo cáo của nhóm chuyên gia thuộc ĐH Nhân dân TQ thực hiện và công bố tuần trước. Báo cáo nhận định năm 2022 sẽ chứng kiến mâu thuẫn giữa hai cường quốc này diễn ra thường xuyên hơn trên các lĩnh vực thương mại, tài chính, công nghệ và sẽ yêu cầu Bắc Kinh triển khai nhiều biện pháp đối phó.

Chưa nhìn thấy rõ ràng giải pháp

Với các thách thức bên trong và bên ngoài, chuyên gia Zhiwei Zhang tại Công ty đầu tư Pinpoint Asset Management (Hong Kong) nói rằng: “Chúng tôi lo ngại tăng trưởng GDP vào quý I-2022 sẽ còn thấp hơn nữa và Bắc Kinh sẽ phải chịu thêm áp lực nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa”.

Theo chuyên gia Zhang, “hệ lụy rõ ràng nhất là sức bật cho nền kinh tế TQ đang bắt đầu chậm dần”. Tuy nhiên, qua một thời gian, TQ vẫn chưa khắc phục được tình trạng già hóa dân số và khả năng rất lớn vẫn chưa thể khắc phục được trong năm 2022 này.

Khả năng TQ thay đổi chiến lược chống dịch cũng khó nói trước, dù kinh tế đang chịu áp lực. Ông Louis Kuijs, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á của Công ty dự báo thị trường Oxford Economics (Anh), nhận định rằng “zero COVID” sẽ kéo lùi đà tăng trưởng của TQ trong năm nay và khiến nền kinh tế này bất ổn hơn trước các biến động trên toàn cầu. Mỗi đợt phong tỏa hay ra quy định hạn chế mới mỗi khi phát hiện ca nhiễm đều ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế địa phương, khiến niềm tin của người dân sa sút và họ sẽ ngần ngại hơn trong chi tiêu mua sắm.

Tuy nhiên, ông nói ông “không nghĩ là “zero COVID” sẽ được cân nhắc bãi bỏ cho tới khi Đại hội Đảng Cộng sản TQ lần thứ XX diễn ra cuối năm nay, tức có thể phải đợi đến năm 2023”. Như vậy, khả năng “các chỉ số kinh tế và tiêu dùng TQ cũng như các hoạt động giao thương giữa TQ và các nước khác sẽ còn u ám từ đây tới đó”, theo ông.

Với các thách thức từ bên ngoài, nhóm chuyên gia ĐH Nhân dân TQ khuyến nghị giới lãnh đạo nước này cần chuẩn bị các giải pháp đối phó với môi trường kinh tế toàn cầu nhiều biến động trong năm nay, với hai vấn đề chính là lạm phát toàn cầu tăng cao và leo thang căng thẳng Mỹ - Trung. Đáng chú ý, nhóm chuyên gia đề nghị giới lãnh đạo TQ “nỗ lực bình thường hóa dòng lưu thông thị trường càng nhiều càng tốt và trong thời gian cho phép”, tức dần khôi phục chuỗi cung ứng.•

Ông Tập kêu gọi thế giới hợp tác cùng phục hồi kinh tế

Phát biểu tại hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) hôm 18-1, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình kêu gọi các nước cùng hợp tác nhằm giảm thiểu tác động từ các rủi ro kinh tế do đại dịch COVID-19. Ông Tập cảnh báo rằng đại dịch khả năng còn kéo dài với các biến thể mới lây lan nhanh hơn, kinh tế toàn cầu sẽ còn bị thách thức.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, dù ông Tập nói muốn thế giới hợp tác cùng phục hồi kinh tế toàn cầu, song lại không có nội dung nào cho thấy TQ sẽ mở cửa kinh tế với thế giới sau gần hai năm khóa chặt để thực hiện chiến lược “zero COVID”.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm