Trung Quốc giữ 'zero COVID' đến chừng nào khi áp lực ngày càng nặng?

Trung Quốc (TQ) đang đối mặt với đà lây lan COVID-19 nghiêm trọng tại TP Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây với gần 1.700 ca nhiễm mới chỉ trong hai tuần gần đây. Đây là đợt bùng dịch nghiêm trọng nhất tại TQ kể từ khi virus xuất hiện hai năm trước và TQ vẫn áp dụng chiến lược “zero COVID” (quét sạch F0 trong cộng đồng). Tây An với 13 triệu dân bị phong tỏa nghiêm ngặt.

Theo giới chuyên gia, tuy “zero COVID” rồi cũng sẽ giúp TQ kiểm soát được đợt dịch lần này giống như nhiều đợt bùng phát trước, nước này vẫn cần một chiến lược dài hạn trong bối cảnh phần lớn thế giới đã chuyển hướng sang chung sống an toàn với virus SARS-CoV-2.

4,37

triệu doanh nghiệp nhỏ TQ đã đóng cửa vĩnh viễn trong năm 2021, trong khi chỉ có 1,32 triệu doanh nghiệp đăng ký mới, theo dữ liệu từ công ty theo dõi đăng ký kinh doanh và thương hiệu Tianyancha có trụ sở tại Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên trong 20 năm, tốc độ đăng ký ngừng kinh doanh vĩnh viễn của doanh nghiệp nhỏ tại TQ cao hơn số doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động.

 “Zero COVID” ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế

Theo tờ South China Morning Post, mọi năm, từ tháng 1 đến dịp tết Nguyên đán ở TQ thường là giai đoạn thị trường bán lẻ phát triển mạnh do nhu cầu mua sắm tăng. Tuy nhiên, các số liệu kinh tế mới nhất cho thấy chi tiêu của người dân TQ trong những ngày này thấp hơn đáng kể so với dự báo - ảnh hưởng từ các biện pháp chống dịch.

Bà Huang Hongmei, một người bán hàng may mặc ở tỉnh Quảng Đông, cho biết công việc mưu sinh của bà gặp nhiều khó khăn do chính quyền địa phương phong tỏa hơn 600.000 dân, siết chặt phòng dịch theo tinh thần “zero COVID” sau khi dịch bùng phát. Theo bà, nhiều người từ chủ doanh nghiệp đến nhân viên văn phòng đều bế tắc vì không có nguồn thu ổn định nhưng vẫn phải xoay xở để trả tiền thuê nhà, tiền ăn.

Hiện mỗi ngày bà Huang chỉ kiếm được khoảng 30 NDT (hơn 100.000 VND), không đủ để trả tiền thuê mặt bằng và phí sinh hoạt. Bà Huang đành dọn cửa hàng, khăn gói về quê trong thời điểm chỉ còn vài tuần là đến tết.

Cùng chung nỗi lo là ông Peng Biao, chuyên viên tại một công ty in kỹ thuật số có trụ sở tại thị trấn Dalang (tỉnh Quảng Đông). Ông cho biết lệnh phong tỏa thị trấn này vào giữa tháng 12-2021 khiến các doanh nghiệp trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Dalang tập trung hơn 17.000 cơ sở trong ngành len, chiếm 1/6 lượng áo len sản xuất trên toàn thế giới. Địa phương này bị phong tỏa nghiêm ngặt đã để lại hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Người dân Trung Quốc xét nghiệm COVID-19 ở TP Tây An, tỉnh Thiểm Tây hồi tháng 12-2021. Ảnh: GETTY IMAGES

Việc TQ quyết tâm theo đuổi “zero COVID” không chỉ trói tay các doanh nghiệp và hộ kinh doanh nhỏ lẻ mà còn khiến thu nhập của đa số người dân TQ giảm sút, kéo theo nhu cầu tiêu dùng nội địa giảm theo. Doanh thu bán lẻ trong hai năm qua ở TQ chỉ tăng trưởng 3,97%, trong khi tỉ lệ tăng trưởng trước năm 2019 là 8%. Tình hình xuất khẩu của TQ cũng đang gặp thách thức lớn do xung đột thương mại với Mỹ.

Nhiều hệ lụy khác nếu bám trụ “zero COVID”

Giống như TQ, một số quốc gia khác trên thế giới như Úc, New Zealand hay Singapore cũng từng áp dụng “zero COVID” làm chiến lược chống dịch chủ đạo. Song với tỉ lệ tiêm chủng ngày càng cao, cộng thêm áp lực kinh tế - xã hội và sự xuất hiện liên tục của các biến thể mới, các nước này đã từ bỏ “zero COVID” và dần mở cửa. Đến năm 2022, dường như chỉ còn TQ đi trên con đường chống dịch này.

Tờ The Guardian dẫn lời PGS Lynette Ong thuộc ĐH Toronto (Canada) nhận định chính quyền TQ xem COVID-19 hay những đại dịch tương tự là cuộc khủng hoảng y tế có khả năng tiến triển thành cuộc khủng hoảng xã hội toàn diện. Với quan điểm đó, không khó hiểu tại sao nước này sẵn sàng bảo vệ chiến lược phòng dịch của mình bằng mọi giá. Tuy nhiên, chi phí để duy trì chiến lược quét sạch virus trong cộng đồng là rất lớn. Chưa hết, khi thế giới đang dần học cách sống chung với đại dịch, TQ sẽ trở nên đơn độc và có ít cơ chế đối phó hơn.

Trong hai năm 2020 và 2021, TQ đã dập tắt được hàng loạt đợt bùng phát trong nước, các nhà máy của họ vẫn hoạt động bình thường để cung cấp hàng hóa cho thế giới. Tuy nhiên, mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn. Các quy định phong tỏa và cách ly nghiêm ngặt đang ảnh hưởng đến mọi thứ, từ chuỗi cung ứng toàn cầu đến sản lượng của các nhà máy. Nhiều đối tác thương mại của nước này đã gặp khó khăn lớn khi TQ kéo dài quá lâu việc đóng cửa biên giới. Nếu các thị trường khác nới lỏng hơn trong khi TQ vẫn đóng cửa, các nước có thể buộc phải tìm kiếm thay đổi đối tác thương mại.

Nếu TQ vẫn quyết đóng cửa với thế giới trong năm 2022, tầm ảnh hưởng của nước này trên toàn thế giới có thể bị ảnh hưởng. Điều này dĩ nhiên không có lợi cho chiến lược ngày càng quyết đoán của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình - bao gồm việc cung cấp đầu tư và viện trợ trên khắp thế giới trong sáng kiến Vành đai - Con đường.

Hiện một số nhà khoa học và quan chức cấp cao trong nước đã kêu gọi chính quyền Bắc Kinh mở cửa trở lại với niềm tin COVID-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu. Gần đây, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh TQ (CCDC) - ông Cao Phúc nhận định nước này có thể sẵn sàng gỡ bỏ rào chắn “zero COVID” khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 85%, và thời điểm thích hợp có thể rơi vào đầu năm 2022.•

“Zero COVID” có thể phản tác dụng trong năm 2022

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Mỹ Eurasia Group mới đây công bố 10 rủi ro lớn nhất trong năm 2022, trong đó có chiến lược “zero COVID” của TQ, theo tờ The Nikkei.

“TQ đang trong tình thế khó khăn nhất vì chiến lược “zero COVID”, vốn rất thành công trong năm 2020, giờ đây lại biến thành một chuỗi các đợt phong tỏa lớn hơn và tốn kém hơn trong khi vaccine chỉ có hiệu quả nhất định” - Ian Bremmer và Cliff Kupchan, hai nhà phân tích cấp cao của Eurasia Group, nhận định.

Hai chuyên gia này cũng cho rằng “zero COVID” sẽ không thể khống chế được biến thể Omicron và biến thể này sẽ gây ra đợt bùng phát lớn hơn kéo theo những lần phong tỏa nặng nề hơn ở TQ.

“Điều này sẽ làm gián đoạn kinh tế lớn hơn, các biện pháp can thiệp của giới chức cũng nhiều hơn. “Zero COVID” cũng có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng hơn với chuỗi cung ứng ở TQ, làm suy giảm niềm tin của dư luận vào thành quả chống dịch của chính phủ” - hai chuyên gia nhận định.

Chính quyền TQ hiện chưa đưa ra bình luận nào về phân tích của Eurasia Group.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm