Không quân Ukraine tính lắp tên lửa hành trình diệt hạm Harpoon vô F-16 để đe dọa Hải quân Nga?

(PLO)- Phía Ukraine cho rằng nếu tiêm kích F-16 được trang bị tên lửa diệt hạm Harpoon thì điều này có thể là mối đe dọa với Hải quân Nga tại Biển Đen.

Cuối tuần trước, ông Yuriy Ihnat – người phát ngôn Không quân Ukraine có nói rằng các hệ thống phòng không của Nga không thể đối phó các cuộc tấn công của Ukraine bằng tên lửa hành trình được phương Tây cung cấp, theo hãng tin Ukrinform.

Theo ông Ihnat, điều đó thấy được qua loạt tấn công từ Kiev nhằm vào các mục tiêu của Nga trong thời gian gần đây.

“Có lẽ Nga đã bắn hạ một số tên lửa trong số đó nhưng có thể thấy tên lửa của chúng tôi đã xuyên qua hệ thống phòng thủ của họ. Tại bán đảo Crimea, nơi được trang bị nhiều hệ thống phòng không, Nga cũng không thể đối phó tên lửa hành trình do phương Tây sản xuất” – ông Ihnat nói thêm.

Tiêm kích F-16 và tên lửa Harpoon sẽ gây thách thức cho Hải quân Nga?

Ông Ihnat ám chỉ Hải quân Nga sẽ gặp nhiều thách thức ở Biển Đen nếu các tiêm kích F-16 do phương Tây cung cấp được trang bị tên lửa diệt hạm Harpoon với một số sửa đổi.

AGM-84_Harpoon_carried_by_an_F-16.jpg
Tiêm kích F-16 mang tên lửa AGM-84 Harpoon. Ảnh: WIKIPEDIA

Hiện tại, tên lửa Harpoon được phóng từ mặt đất nhằm vào các mục tiêu của Nga với tốc độ bắn 112 km/giờ.

Mỹ chuyển giao tên lửa diệt hạm Harpoon cho Ukraine hồi năm 2022 và được Kiev triển khai tới Biển Đen để chống lại các tàu chiến đấu mặt nước của Nga. Kể từ đó, Ukraine đã sử dụng tên lửa này để đánh chìm ít nhất 2 tàu của Nga.

Các chuyên gia quân sự lưu ý mọi tính toán hoạt động của Hạm đội Biển Đen Nga có thể trở nên phức tạp nếu tên lửa Harpoon được lắp trên tiêm kích F-16. Khi đó tiêm kích F-16 có thể đóng vai trò vừa là nền tảng nhắm mục tiêu vừa là nền tảng vận chuyển cho tên lửa Harpoon.

Bên cạnh đó, người phát ngôn Không quân Ukraine nhấn mạnh Kiev dự kiến nhận thêm tên lửa hành trình từ phương Tây, đặc biệt là từ Đức, Pháp và Anh.

Ông Ihnat nói: “Tên lửa ATACMS của Mỹ vốn là tên lửa đạn đạo, sẽ giúp chúng tôi tạo ra thay đổi đáng kể trên chiến trường. Và với sự xuất hiện của các máy bay chiến đấu phương Tây, điều này sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác”.

harpoon-phong-tu-dat-lien.jpg
Tên lửa Harpoon phiên bản phóng từ mặt đất được phóng từ xe đầu kéo. Ảnh: Naval News

Quân đội Nga sở hữu nhiều hệ thống phòng không hiện đại, trong đó có hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và Pantsir, có thể ngăn chặn các tên lửa tiên tiến.

Tuy nhiên, theo những tuyên bố gần đây của Ukraine, những hệ thống phòng không này đã chịu áp lực do các cuộc tấn công dữ dội từ tên lửa hành trình của Ukraine.

“Chúng tôi nhận được các loại vũ khí mà chúng tôi đã chờ đợi rất lâu. Đó là tên lửa hành trình. Đối phương không thể bắn hạ những tên lửa này dù có các hệ thống phòng không tuyệt vời” – Ukrinform dẫn lời ông Ihnat.

Uy lực tên lửa diệt hạm Harpoon

Hồi đầu tháng 9, Ukraine tuyên bố đã phá hủy một hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không S-400 của Nga ở bán đảo Crimea.

Cuộc tấn công được cho là được tiến hành song song bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình diệt hạm Neptune.

Tên lửa Harpoon cũng có thể được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ tương tự. Điều này có nghĩa là ngay cả hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga là S-400 cũng không tránh khỏi việc bị tấn công.

Harpoon là tên lửa hành trình diệt hạm cận âm, được phát triển ở Mỹ và đưa vào sử dụng từ năm 1977.

Từ khi ra đời, nhiều biến thể khác nhau của tên lửa Harpoon đã được phát triển, bao gồm phiên bản phóng từ trên không, phiên bản phóng trên tàu và phiên bản phóng dưới nước. Các biến thể của tên lửa Harpoon đã được sử dụng tại 32 quốc gia.

tau-chien-my-ban-harpoon.jpg
Tàu khu trục USS Radford của Mỹ phóng tên lửa Harpoon năm 1992. Ảnh: Popular Mechanics

Theo trang Military-Today, Harpoon sử dụng radar chủ động để theo dõi mục tiêu và phát nổ khi tiếp xúc. Tên lửa này được trang bị đầu đạn nặng 221 kg, có thể bay với vận tốc 617 km/giờ.

Phiên bản F-16 Block 50/52 từ những năm 1990 đã có phần cứng và phần mềm cần thiết để hoạt động cùng tên lửa Harpoon ở một số chế độ phóng.

Với một số cấu hình, Harpoon được phóng ở một hướng cụ thể và thiết bị tìm kiếm của tên lửa được sử dụng để xác định vị trí mục tiêu.

Một số chế độ bổ sung giúp tăng tầm bắn và phương hướng của tên lửa tới mục tiêu, từ đó tăng cơ hội tấn công chính xác.

Với một sự điều chỉnh nhỏ về phần mềm và cài đặt bộ điều hợp giao diện Harpoon, gần như mọi tiêm kích F-16 đều có thể được trang bị tên lửa Harpoon, theo trang The EurAsian Times.

Khi được hỏi về vấn đề liên quan tới F-16, ông Ihnat cho biết khi số lượng các quốc gia tham gia liên minh hàng không mở rộng thì khả năng và triển vọng đào tạo phi công của Ukraine cũng tăng lên.

“Một nhóm lớn kỹ sư quân sự cũng đang được đào tạo cùng với phi công của chúng tôi tại các quốc gia đã gia nhập khối liên minh không quân. Các chiến cơ F-16 càng được chuyển giao sớm thì tình hình trên mặt trận càng sớm thay đổi” – ông Ihnat nói.

Cạnh đó, ông nhấn mạnh các phi công Ukraine đang được huấn luyện mà không có bất kỳ sự chậm trễ nào.

“Mỹ cũng đang tham gia và đây là bước đi quan trọng vì Mỹ là nhà sản xuất F-16 và căn cứ tốt nhất nằm ở đó. Nếu họ huấn luyện phi công của chúng tôi thì đây sẽ là một bước đi nghiêm túc trên con đường sở hữu F-16” – người phát ngôn Không quân Ukraine nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm