Nhưng không, chợ vẫn tồn tại. Bởi chợ không chỉ là nơi mua bán mà còn là nét văn hóa của người Việt.
Trong khi nhiều người phấn khởi vì chuyện “văn minh hóa” bán mua thì nhiều người, nhất là những người có tuổi, gốc từ quê lên TP vẫn thích đi chợ truyền thống hơn là các trung tâm thương mại…
Không chỉ là chợ truyền thống
Gần các nhà máy hay các khu công nghiệp thường có các khu chợ tự phát, là nơi mua sắm của các nữ công nhân, đôi khi có cả nam. Họ tan tầm ra thường đã chiều tối, tạt vào chợ mua bó rau, con cá cho kịp về nấu ăn rồi nghỉ ngơi để mai đi làm sớm. Chợ tự phát hay còn gọi là “chợ chồm hổm” hết sức thiết thực cho bà con. Chợ “mọc” lên từ khi trời vừa xế và tan khi đường phố lên đèn. Nó có sự thú vị trong sinh hoạt đời thường nhất. Gần nhà tôi có một công ty may, công nhân hầu hết là nữ từ các tỉnh miền Trung vào. Họ chịu thương chịu khó, tiện tặn dành dụm để có tiền gửi về quê lo cho cha mẹ, con cái. Nhìn cách họ mua sắm mà thương. Chỉ bó rau muống, vài trái cà chua, con cá khô, thế là đã đủ thức ăn buổi tối và cả ngày hôm sau.
Lại có trường hợp mặc dù gia đình giàu có, ở biệt thự, đi xe hơi nhưng bà Bảy Huê chủ một cửa hàng kim khí điện máy không đi mua sắm ở siêu thị. Bà chỉ đi chợ truyền thống. Bà Bảy thường đi chợ Bà Chiểu, vì từ khu biệt thự Thảo Điền qua chợ Bà Chiểu theo bà Bảy là thuận đường xe, tiện mua sắm. Bà bảo đi chợ rất thú vì được nghe nói thách rồi trả giá, nó quen từ hồi nào giờ. Ở siêu thị nó ngăn nắp quá, thẳng thớm quá. Bà nói: “tôi gốc nhà quê, theo cha mẹ lên TP hồi chiến tranh, lúc đâu chín, 10 tuổi gì đó nhưng tôi còn nhớ y nguyên cảnh chợ dưới quê mà thuở nhỏ tôi được mẹ dắt theo”. Bà Bảy nói nhiều người mới có tí tiền đã vội đổi thay, chê bỏ quá khứ nghèo khó.
Người quê lên thành phố vẫn thích đi chợ truyền thống hơn đi siêu thị.
Chợ mọi lúc mọi nơi
Từ các chợ truyền thống lớn đến những chợ nhỏ trong các con hẻm, hay các chợ chồm hổm tự phát, chúng ta có thể bắt gặp các hình ảnh quen thuộc: Những người phụ nữ gắn đời mình với những sạp hàng, bất kể ngày nắng ngày mưa. Cô Hai Thơm xóm tôi là một điển hình. Năm nay cô mới ngoài 60 tuổi nhưng đã gắn liền với khu chợ nhỏ Xóm Lách, trong một con hẻm trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa từ hơn nửa thế kỷ qua. Từ lúc cô mới 15, 16 tuổi, con đường còn mang tên Công Lý, đến khi lấy chồng cô vẫn tiếp tục bám chợ mưu sinh. Có khi bán trái cây, có lúc bán rau, bán dưa nhà cô tự làm, lấy tiền nuôi lũ con ăn học. Hiện nay chúng đã trưởng thành bay đi khắp nơi, cô vẫn bám chợ, mặc cho lũ con bảo nghỉ ngơi. Nhưng nghỉ được mươi ngày nửa tháng, cô Hai lại nhớ chợ. Thế là cô tiếp tục ngồi chợ. Cô có thằng con đầu đi du học ở Mỹ rồi lấy vợ định cư bên đó. Hè năm rồi nó về nước rước mẹ qua Mỹ thăm chơi một bận cho biết. Cô không muốn đi nhưng thằng con năn nỉ mãi, cực chẳng đã cô mới đi. Hai tháng sau cô về người gầy sút đi mấy ký. Cô bảo qua bển suốt ngày ngồi trong nhà nhìn ra đường, vợ chồng con cái chúng đi làm, đi học cả. May quá, ở nhà bên cạnh có bà cụ cắm cúi trồng trọt, tưới tắm đám rau trong vườn, cô đứng bên này hàng rào bắt chuyện làm quen bà cụ. Chủ nhật thấy ông con trai cụ - nghe nói là giáo sư hay tiến sĩ gì đó - chở bà cụ đi ra chợ bán rau. Thằng con cô nói nếu ông con không chở bà cụ ra chợ, bà sẽ tuyệt thực. Người con chiều mẹ. Cô bảo thằng con chở cô ra chợ. Chợ thật ra chỉ là một bãi đất trống, cuối tuần người ta tụ tập lại, có gì bán nấy, có vẻ như để trao đổi và xả stress là chính.
Bà cụ hàng xóm đem mớ rau gồm một ít rau thơm, rau cải, xà lách... ngồi bán ở cuối khu “gọi là chợ”. Cũng có người, chắc là người quen đến mua. Không biết bán được bao nhiêu nhưng thấy nét mặt cụ vui hẳn. Cô Thơm ước gì cũng có rau đem bán!