Ông Nguyễn Quang Lộc nhận định: “Hằng năm, ngành tòa án chỉ xét xử gần 300 vụ án về tham nhũng. Số liệu này không phản ánh đúng thực trạng tội phạm về tham nhũng đang xảy ra hiện nay. Tệ nạn tham nhũng đang ngày càng nặng nề và là nỗi bức xúc của người dân”.
“Không hợp lòng dân”
Theo ông Lộc, hiện nay tham nhũng không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công mà đã và đang phát triển trong cả lĩnh vực tư. Có nhiều nguyên nhân làm cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) kém hiệu quả, trong đó có một phần rất lớn là việc điều tra, truy tố, xét xử chưa đáp ứng được yêu cầu và các biện pháp đấu tranh, xử lý chưa đủ mạnh. Kèm theo đó là sự yếu kém, buông lỏng quản lý, thậm chí là sự cả nể, bao che của một số người có chức, có quyền.
Từ đó, ông Lộc không ủng hộ việc Điều 278 dự thảo BLHS sửa đổi (tội tham ô tài sản) nâng mức định lượng tối thiểu để xử lý hình sự trong cấu thành cơ bản ở khoản 1 lên 5 triệu đồng (quy định hiện hành là 2 triệu đồng). Tương tự là việc dự thảo nâng mức tiền bị chiếm đoạt tối thiểu tại khoản 2 lên 100 triệu đồng (quy định hiện hành là 50 triệu đồng); tại khoản 3 lên 500 triệu đồng (quy định hiện hành là 200 triệu đồng); tại khoản 4 lên 1 tỉ đồng (quy định hiện hành là 500 triệu đồng). Theo ông Lộc, việc nâng mức định lượng tối thiểu trong cả cấu thành cơ bản lẫn các khung tăng nặng là phi hình sự hóa nhiều hành vi tham nhũng, không phù hợp với yêu cầu PCTN hiện nay. “Có thể có ý kiến nói tiền có chiều hướng mất giá nên tăng cho phù hợp nhưng khó được dư luận chấp thuận” - ông Lộc nói.
Một cựu cán bộ địa chính tại Đà Nẵng phải hầu tòa vì nhận hối lộ. Ảnh: D.HẰNG
Ông Lộc cũng không ủng hộ việc dự thảo bổ sung hình phạt tiền (từ 30 triệu đồng đến 300 triệu đồng) và phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm trong cấu thành cơ bản của tội tham ô tài sản: “Trong tội này, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt là cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất. Nếu tham ô tài sản có giá trị lớn, rất lớn, đặc biệt lớn mà chỉ phạt tiền, chỉ chú trọng đến thu hồi tài sản thì không có tác dụng đấu tranh mạnh mẽ với tệ nạn tham nhũng và cũng không được sự đồng tình của dư luận”.
Cũng từ góc nhìn trên, ông Lộc phản đối việc bỏ án tử hình trong một số tội về tham nhũng như tham ô tài sản, nhận hối lộ: “Khi cuộc đấu tranh PCTN đang kém hiệu quả mà luật lại sửa theo hướng nhẹ đi thì không phù hợp với thực tiễn, không hợp lòng dân”.
Chỉ cần vòi vĩnh là đã phạm tội
Bên cạnh đó, ông Lộc cũng cho rằng cần có biện pháp mạnh để chặn đứng tình trạng sách nhiễu, đòi hối lộ đang là quốc nạn ở nước ta hiện nay.
Theo Điều 279 dự thảo BLHS (sửa đổi), yếu tố cấu thành cơ bản của tội nhận hối lộ là “người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn đòi, nhận hoặc sẽ nhận dưới bất kỳ hình thức nào, bất kỳ lợi ích nào…”. Ông Lộc phân tích theo quy định mới này thì chỉ cần hai bên có sự thỏa thuận trước về việc giao nhận tài sản hoặc chỉ cần có hành vi đòi hối lộ thì dù bên bị đòi hối lộ có thỏa thuận hay không, tội phạm cũng đã hoàn thành. “Đây là một quy định mới có tác dụng mạnh mẽ trong đấu tranh PCTN, đặc biệt là chống tệ nạn sách nhiễu, vòi vĩnh, đòi hối lộ hiện nay” - ông Lộc nhấn mạnh.
Một điều đáng chú ý là điều luật này không chỉ bó hẹp việc nhận hối lộ trong phạm vi lợi ích vật chất như quy định hiện hành mà mở rộng ở “bất kỳ lợi ích nào”. Tức việc nhận hối lộ bao gồm cả lợi ích vật chất (tiền, tài sản khác…) lẫn lợi ích phi vật chất (hối lộ tình dục…), ông Lộc cho rằng việc mở rộng phạm vi này sẽ tháo gỡ được nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn xử lý tội phạm về hối lộ hiện nay.
Không đảm bảo yêu cầu Tôi đồng tình rằng việc dự thảo BLHS (sửa đổi) nâng mức tiền bị chiếm đoạt trong cấu thành tội tham ô tài sản là không đảm bảo yêu cầu phòng, chống tội phạm tham nhũng hiện nay. Tham ô đang là vấn đề bức xúc và gây nhiều hệ lụy cho xã hội nhưng việc thay đổi này vô hình trung đã làm nhẹ đi tính chất nguy hiểm của dạng tội phạm này. TS Lê Đăng Doanh, Trưởng bộ môn |