Không thể chia ngạch thẩm phán như điều tra viên, kiểm sát viên

(PLO)- Đây là quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy về ý kiến cho rằng nên phân chia ngạch thẩm phán để đồng bộ với điều tra viên, kiểm sát viên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 26-3 mới đây, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND sửa đổi.

Bên cạnh việc sửa đổi tên gọi tòa án thì nội dung khác được nhiều ĐB quan tâm liên quan đến ngạch, bậc thẩm phán và quy định lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử.

Hồ sơ nặng đến 6 tấn, thẩm phán cũng phải thuộc

Dự thảo Luật Tổ chức TAND trình QH quy định thẩm phán có hai ngạch (ngạch thẩm phán TAND Tối cao và ngạch thẩm phán). Về bậc, thẩm phán TAND Tối cao có hai bậc, thẩm phán có chín bậc.

ngạch thẩm phán
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy. Ảnh: PHẠM THẮNG

Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, TAND Tối cao đề xuất quy định: “Ủy ban Thường vụ QH quy định về bậc thẩm phán, tiêu chuẩn, điều kiện từng bậc, xét nâng bậc thẩm phán theo đề nghị của Chánh án TAND Tối cao…”.

Quá trình cho ý kiến, một số cơ quan như Bộ Tư pháp đề nghị cân nhắc việc chia ngạch thẩm phán để đồng bộ với các chức danh điều tra viên, kiểm sát viên.

“Ý kiến đề nghị cân nhắc chia ngạch thẩm phán thành sơ cấp, trung cấp, cao cấp để đồng bộ với điều tra viên, kiểm sát viên là không phù hợp với công việc của thẩm phán” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy nói.

Cũng theo vị ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, nguyên tắc hoạt động của điều tra, truy tố và của xét xử là “khác nhau một cách căn bản”. Hoạt động điều tra chịu sự chi phối của nguyên tắc chỉ huy, chỉ đạo tập trung, thống nhất, điều tra viên phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan điều tra, cơ quan điều tra cấp dưới thì phải chịu sự chỉ đạo của cơ quan điều tra cấp trên.

Tương tự, trong hoạt động truy tố, kiểm sát viên phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của viện trưởng VKS, thậm chí Ủy ban Kiểm sát còn có quyền cho ý kiến đối với các vụ án trước khi viện trưởng ký quyết định.

Trong khi đó, hoạt động xét xử chịu sự chi phối của nguyên tắc hiến định là “thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. “Đối với thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp” - bà Thủy dẫn lại lời của Karl Marx.

Chính sự khác nhau đó, theo phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đã chi phối việc tổ chức ngạch thẩm phán khác căn bản so với ngạch điều tra viên và kiểm sát viên.

“Đối với thẩm phán thì không có cấp trên nào khác ngoài luật pháp.”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy dẫn lời của Karl Marx

Dẫn chứng vụ án Vạn Thịnh Phát đang diễn ra, bà Thủy nói giai đoạn điều tra có hàng chục điều tra viên được phân công tham gia điều tra vụ án này. Đối với những hoạt động điều tra đơn giản như khám chỗ ở, khám phương tiện, thi hành lệnh bắt... chỉ cần phân công điều tra viên sơ cấp đảm nhiệm. Còn đối với những hoạt động điều tra phức tạp hơn như thực hiện điều tra, hỏi cung các đối tượng sừng sỏ, đánh giá tổng thể chứng cứ… thì cần thiết phải có những điều tra viên dày dạn kinh nghiệm, thậm chí phải là ngạch cao cấp đảm nhiệm…

“Đối với hoạt động xét xử, với hai thẩm phán đang được phân công xét xử vụ án này, họ phải độc lập với nhau và phải tiến hành toàn diện vụ án mà không thể phân công, phân việc như ở giai đoạn điều tra. Dù hồ sơ có nặng đến 6 tấn như vụ án này, thẩm phán vẫn phải thuộc từng tài liệu trong hồ sơ vụ án, bởi nếu không nắm chắc hồ sơ vụ án thì không thể phát hiện được những mâu thuẫn để đối chất và làm rõ ngay tại phiên tòa” - bà Thủy nói.

Lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử

Một điểm mới đáng chú ý khác, Điều 135 dự thảo luật quy định “lựa chọn ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm tham gia xét xử”. Theo đó, chánh án tòa án quyết định phân công ngẫu nhiên thẩm phán, hội thẩm giải quyết vụ án bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan theo quy định của pháp luật.

Nêu ý kiến về quy định trên của dự luật, ĐB Mai Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho hay ông rất băn khoăn về quy định giao trách nhiệm cho chánh án để thực hiện phân công ngẫu nhiên. “Không hiểu cơ chế thực hiện phân công ngẫu nhiên là như thế nào, trong khi lại giao quyền cho chánh án. Nếu giao quyền cho chánh án thì phải căn cứ vào năng lực, trình độ để phân công cho phù hợp, để bảo đảm xét xử vụ án chất lượng” - ĐB Hải nói.

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng nên có nguyên tắc phân công thẩm phán và hội thẩm tham gia xét xử, ví dụ nguyên tắc luân phiên, số lượng vụ án, vụ việc được phân công ngang nhau...

“Nếu sự phân công ngẫu nhiên hoàn toàn do chánh án quyết định thì rất có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của thẩm phán trong quá trình xét xử. Ngẫu nhiên mà không nguyên tắc thì dễ dẫn tới sự không khách quan trong quá trình phân công thẩm phán” - ĐB Nga nói.

Trong khi đó, bà Thủy lại đánh giá đây là nguyên tắc tiến bộ trong quản trị tòa án đã được luật pháp của rất nhiều nước trên thế giới ghi nhận nhằm bảo đảm tính khách quan và phòng ngừa tiêu cực ngay từ khâu phân công án. Cũng theo bà Thủy, dù luật hiện hành chưa quy định về nguyên tắc này nhưng hiện nay TAND Tối cao đã ban hành thông tư hướng dẫn việc phân công án theo nguyên tắc ngẫu nhiên.

“Khi thực thi nguyên tắc này sẽ liên quan trực tiếp đến việc tổ chức các ngạch thẩm phán. Theo nguyên tắc này sẽ không có chuyện thẩm phán vừa mới được bổ nhiệm chỉ được giải quyết các vụ án đơn giản, những thẩm phán bổ nhiệm nhiều năm chỉ phải giải quyết những vụ án phức tạp” - bà Thủy nhấn mạnh.

Bà Thủy khẳng định khi thực thi nguyên tắc này, cứ vượt qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia và được bổ nhiệm làm thẩm phán thì có thể được phân công bất kỳ vụ án nào theo nguyên tắc ngẫu nhiên.

Chọn ngẫu nhiên để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán

Phát biểu cuối phiên thảo luận về nội dung này, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho hay thế giới quy định nguyên tắc “lựa chọn ngẫu nhiên” để bảo đảm tính độc lập của thẩm phán tuân theo pháp luật, tránh trường hợp chánh án phân cho thẩm phán có quan hệ tốt để xử theo ý mình.

“Lần này, chúng tôi thể hiện nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên trong luật. Chúng tôi đã có một thông tư hướng dẫn việc này. Có một số vụ án phải phân công cho thẩm phán có năng lực và việc phân công này cũng phải ngẫu nhiên chọn trong số những thẩm phán có năng lực” - Chánh án TAND Tối cao nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm