BỘ NGOẠI GIAO HỌP BÁO QUỐC TẾ VỀ VỤ GIÀN KHOAN:

Không thể có lãnh thổ của TQ ở Hoàng Sa

Chiều 23-5, Bộ Ngoại giao đã tổ chức tiếp cuộc họp báo quốc tế lần thứ ba về tình hình biển Đông, kể từ khi Trung Quốc (TQ) đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam (VN). Với những thông tin đưa ra tại cuộc họp báo này, VN đã lần lượt bẻ gãy các luận điệu mà TQ đưa ra để viện dẫn cho cái gọi là chủ quyền của TQ đối với Hoàng Sa và những lý lẽ phi lý, kỳ lạ biện minh một cách đầy ngụy tạo cho việc đưa giàn khoan trái phép ngang ngược xâm phạm chủ quyền không thể chối cãi của VN ở khu vực này.

Bác bỏ lập luận của TQ về Công thư 1958

Đề cập đến Công thư 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi tới Thủ tướng TQ Chu Ân Lai lúc đó về vấn đề lãnh hải của TQ (được một số nhà khoa học TQ viện dẫn để cho rằng VN đã thừa nhận cho cái gọi là chủ quyền của TQ ở Hoàng Sa), tại buổi họp báo này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Trần Duy Hải tuyên bố bác bỏ cách viện dẫn, lập luận sai lệch của phía TQ, rằng bằng Công thư 1958, VN đã thừa nhận chủ quyền của TQ với quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông Hải, công thư của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đó chỉ ghi nhận và tán thành về mặt nguyên tắc việc TQ tuyên bố chủ quyền lãnh hải 12 hải lý, hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Trần Duy Hải tại buổi họp báo quốc tế chiều 23-5. Ảnh: TTXVN

Lý giải thêm cho việc này, theo ông Hải, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã không đề cập tới các quần đảo này vì thực tế là hai quần đảo đều nằm dưới vĩ tuyến 17 mà Pháp chuyển giao cho chính quyền VN Cộng hòa (VNCH), tức thuộc quyền quản lý của chính quyền này. “Bạn không thể cho người khác cái mà bạn chưa có được. Công thư không có giá trị công nhận chủ quyền đối với Tây Sa, Nam Sa theo cách gọi của TQ” - ông Hải nhấn mạnh.

VN có đầy đủ bằng chứng khẳng định chủ quyền

Trước các phát ngôn chính thức của TQ gần đây lý giải vị trí giàn khoan 981 nằm trong vùng biển của quần đảo Hoàng Sa mà TQ tự cho là lãnh thổ của mình, tại buổi họp báo này, VN cũng bác bỏ và cho rằng lập luận ấy là hoàn toàn không có căn cứ, cả về lịch sử, cả về pháp lý.

Ông Trần Duy Hải đã trình chiếu trước phóng viên các hãng thông tấn quốc tế bộ phim tài liệu ngắn, qua đó cho thấy từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, VN đã xác lập, thực thi chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa - khi cả hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến VN đã thực thi chủ quyền ấy một cách hòa bình, liên tục mà không gặp phải phản đối từ bất cứ quốc gia nào - phù hợp với luật pháp quốc tế. Tới thời kỳ Pháp thuộc, chính phủ Pháp đã nhân danh VN tiếp tục quản lý hai quần đảo, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác.

Điểm nhấn pháp lý quan trọng là Hội nghị San Francisco, tháng 9-1951 - nơi 51 quốc gia bàn luận, giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Thế chiến II. Tại đó, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của VN với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không gặp bất cứ phản đối nào từ các nước tham dự hội nghị. Cũng tại đó, đề xuất của phái đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo này cho TQ đã bị đa số phản đối với tỉ lệ 46 phiếu chống.

Đến Hiệp định Genève, năm 1954, VNCH đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo do Pháp trao lại và đã tuyên bố cũng như thực thi chủ quyền. TQ là một nước tham gia vào Hội nghị Genève năm ấy biết rất rõ điều này.

Xâm lược không thể sinh ra chủ quyền

Năm 1974, TQ sử dụng vũ lực để chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa. Chính quyền VNCH và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam VN đều đã lên tiếng phản đối. Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực với lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho TQ. Bị vong lục ngày 12-5-1988 của Bộ Ngoại giao TQ cũng khẳng định nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Điều đó cho thấy TQ không thể có chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa.

Thời gian gần đây, TQ thường xuyên tuyên bố Hoàng Sa là lãnh thổ không có tranh chấp. Theo ông Hải, điều đó đi ngược lại chính quan điểm mà Phó Thủ tướng TQ Đặng Tiểu Bình thừa nhận với bí thư thứ nhất Đảng Lao động VN trong hội đàm ngày 29-9-1975. Khi ấy, ông Đặng Tiểu Bình thừa nhận là hai nước có tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Ý kiến ấy cũng được ghi lại trong Bị vong lục ngày 12-5-1988 của Bộ Ngoại giao TQ và còn được đăng tải công khai trên Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản TQ.

Ý kiến này của ông Đặng Tiểu Bình phải được hiểu một cách nguyên vẹn, chính xác, bởi chính ông Đặng, năm 1958 là tổng bí thư Đảng Cộng sản TQ, ắt không thể nói ngược, làm ngược với quan điểm của lãnh đạo TQ thời ra tuyên bố về lãnh hải 12 hải lý.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm