Chiều tối 17-5, sau một đêm “dưỡng thương” tại Tổng Công ty Sông Thu (Đà Nẵng), tàu cảnh sát biển 4032 lại tiếp tục lên đường ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Chưa kịp gặp người thân sau gần nửa tháng biệt tin, các anh lại phải lao ngay ra Hoàng Sa sát cánh cùng đồng đội bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Lên đường khi chưa kịp đoàn tụ
Ngày 4-5, 23 người trên tàu cảnh sát biển 4032 được lệnh ra Hoàng Sa. Ngày 13-5, tàu 4032 bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm húc làm hư hỏng nặng mạn trái khi tàu đang cố tiếp cận giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trên vùng biển Việt Nam. Cấp trên cho cơ động về đất liền để sửa chữa.
Thượng úy Vũ Trọng Huân, thuyền trưởng tàu 4032, tâm sự: “Công nhân được huy động tối đa để sửa. Mọi việc đã xong, tối nay tàu bọn anh lại tiếp tục ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Nhiều người vẫn chưa kịp gặp người thân em ạ”.
Trước đó, khi tàu đang trên đường vào bờ, vợ con, người thân của các anh từ Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… hối hả đón xe vào thăm. Có người đã xa vợ con gần nửa năm. Cha nhớ con, chồng nhớ vợ thắt ruột vậy mà vẫn không kịp gặp mặt vì phải lên đường làm nhiệm vụ ngay.
Trên nét mặt các anh hiện rõ nỗi nhớ thương nhưng khi được hỏi các anh vẫn rắn rỏi đáp: “Giờ khắc này Tổ quốc cần chúng tôi hơn”. Trung úy Trần Long Duy bộc bạch: “Khoảnh khắc này làm tôi nhớ lại khoảng thời gian hai năm trước. Lúc đó, tàu tôi đang làm nhiệm vụ bảo vệ tàu Bình Minh 02 sau khi bị tàu Trung Quốc ngang ngược cắt cáp trái phép. Làm nhiệm vụ mà như có lửa đốt trong người. Đến khi lên bờ thì nhận được hung tin ba mất trong thời gian tôi ở trên biển bảo vệ chủ quyền”.
Thiếu úy Trần Kim Ba (ngoài cùng bên trái) kiên cường bám biển cùng đồng đội dù ở nhà mẹ anh đang mang trọng bệnh.
Anh Duy kể sau khi ba mất, anh đành phải chuyển vợ đang là giáo viên ở Đà Nẵng về Lệ Thủy (Quảng Bình) để có người hương khói cho ba và chăm sóc mẹ già. Giờ đây vợ anh đang trên đường vào thì anh lại phải lên tàu ra khơi. Anh lấy chiếc điện thoại mở hình đứa con trai ra rồi hun chùn chụt lên màn hình cho vơi nhớ thương…
Gác lại niềm riêng
Trong 23 chiến sĩ trên tàu 4032, thương nhất là hoàn cảnh của Thiếu úy Trần Kim Ba (quê Quảng Xương, Thanh Hóa). Anh Ba bộc bạch, mẹ anh bị ung thư mấy năm nay và phải xạ trị thường xuyên. Việc điều trị hết sức khó khăn, tốn kém vì kinh tế gia đình eo hẹp.
“Từ lúc mẹ em bị ung thư đến nay em chẳng có mấy ngày ở bên để chăm mẹ. Thấy có lỗi với mẹ quá anh ạ. Nhưng lúc này Hoàng Sa đang cần nên em vẫn chưa báo đáp được công ơn của ba mẹ”, Ba cúi mặt trầm tư, rồi hỏi: “Như vậy thì có phải là em bất hiếu không anh?”. Một câu hỏi khó mà Ba dành cho tôi. Tôi chỉ có thể động viên Ba: “Em không hề bất hiếu. Em đang làm việc theo tiếng gọi của Tổ quốc, lao vào “điểm nóng” Hoàng Sa để bảo vệ chủ quyền đã là một sự báo hiếu đầy ý nghĩa. Mẹ em sẽ hiểu và thương em hơn”.
Những người lính cảnh sát biển quả cảm gác chuyện riêng gồng gánh chuyện quốc gia đại sự trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng ở Hoàng Sa. Ảnh trong bài: LÊ PHI
Ép lồng ngực, hít một hơi thật sâu, Ba lấy lại chí khí. Ba kể đã gọi điện thoại về cho vợ bố trí việc gia đình. “Mẹ em bảo bệnh hành hạ dữ lắm. Đau không chịu nổi nên em đã sắp xếp cho vợ con về nhà ông bà ngoại. Con còn nhỏ, vợ công việc nhiều nên vợ con không thể đi theo để chăm sóc mẹ được. Giờ ba em sẽ đưa mẹ vào Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng để chữa trị. Nhà cửa ở quê thì nhờ hàng xóm trông nom giùm. Mấy ngày nữa, mẹ em sẽ vào Đà Nẵng để trị bệnh. Hy vọng mẹ sẽ ổn đến khi em hoàn thành nhiệm vụ để em còn có cơ hội chăm nom” - mắt Thiếu úy Trần Kim Ba lại nhìn xa xăm.
Cũng như Ba, Thiếu úy Nguyễn Thế Trường phải gạt việc riêng để lo chuyện nước nhà. Ngay trước giờ tàu được lệnh ra Hoàng Sa đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thì vợ anh phải nhập viện. Vợ đang mang bầu đứa con thứ hai nhưng phải nhập viện để điều trị vỡ ruột thừa. Lúc xe cứu thương chở vợ lao nhanh về phía bệnh viện cũng là lúc Trường cùng đồng đội thẳng tiến ra Hoàng Sa. “Vợ nhập viện em thương lắm. Em đã không thể ở bên giường bệnh để động viên, chăm sóc cho cô ấy” - Trường bùi ngùi nói.
Thế nhưng nói về chủ quyền Tổ quốc đang bị xâm phạm, chàng lính biển Nguyễn Thế Trường mắt lại rực cháy: “Vắng em nhưng vợ em sẽ có người thân, bạn bè, hàng xóm đùm bọc. Còn Hoàng Sa đang cần bọn em hơn bao giờ hết. Chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đang bị xâm phạm. Bọn em sẽ quên việc nhà để gánh trọng trách Tổ quốc trao cho”.
Có lẽ khi được tiếp xúc, biết được hoàn cảnh của các anh lính biển mới thấu hiểu hết tinh thần của dân tộc ta bao đời nay vẫn thấm nhuần trong các anh, luôn sẵn sàng có mặt khi Tổ quốc cần, sẵn sàng gác lại những ưu tư của bản thân để hòa mình vào nhịp đập của cả dân tộc…
LÊ PHI
Có lẽ trên chuyến tàu 4032 lại chuẩn bị ra khơi đêm hôm ấy, Thượng úy Trần Quang Vững và thuyền phó Lê Văn Cảnh là những người may mắn nhất. Anh Vững đã được gặp vợ con. Còn với Cảnh, người yêu ra đón anh tận chân cầu quân cảng. Khi tôi đến, người yêu vẫn đang tay trong tay anh thuyền phó Cảnh trẻ tuổi. “Nửa tháng rồi không gặp nhau cũng nhớ da diết lắm. Tối nay em lại lên đường rồi. Tổ quốc đang cần em” - Cảnh tâm sự. Trong ánh mắt của Cảnh tràn ngập niềm vui. Tình yêu sẽ cho Cảnh nhiều sức mạnh hơn khi làm nhiệm vụ ở đầu sóng ngọn gió. |