PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN ĐỨC KIÊN:

Không thể tách hành chính khỏi chính trị

Trao đổi riêng với Pháp Luật TP.HCM xung quanh đồ án quy hoạch chung Hà Nội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “Tôi có đầy đủ các văn bản của cấp cao nhất, khẳng định lấy Ba Đình làm “khu trung tâm, đầu não, chính trị gạch ngang hành chính”.

Không “dời đô” thì khỏi cần trục Thăng Long

. Phóng viên: Từ khi đồ án quy hoạch Hà Nội được tung ra lấy ý kiến, dư luận rất băn khoăn về ý tưởng lập một trung tâm hành chính quốc gia mới ở Ba Vì, tách khỏi trung tâm chính trị ở Ba Đình. Ngay trong buổi thảo luận tổ đại biểu mà ông dự, tất cả ý kiến đều chưa đồng tình. Cá nhân ông nghĩ sao?

+ Ông Nguyễn Đức Kiên: Họp Thường vụ, tôi đã yêu cầu cơ quan chủ trì đồ án mở rộng diện lấy ý kiến nhân dân ở cả ba miền. Thời gian vẫn còn nhiều mà. Chứ như vừa rồi, mới tổ chức ở Hà Nội thì quan trọng nhưng chưa đủ. Thủ đô là của cả nước, chứ đâu riêng người Hà Nội.

Còn vấn đề dịch chuyển trung tâm hành chính và mở trục Thăng Long thì qua báo chí đúng là nhiều ý kiến băn khoăn, phản đối. Tôi cũng thấy không thể tách hành chính khỏi chính trị được. Hơn nữa theo tôi, khu trung tâm hành chính cần được hiểu theo nghĩa mở, chẳng cứ phải là tất cả Chính phủ, các bộ phải nằm cùng một khu sát nhau. Quan trọng là đầu não ba nhánh quyền lực và trung ương Đảng phải gần nhau. Trong thể chế chính trị một đảng cầm quyền thì càng không thể tách ra được.

Không thể tách hành chính khỏi chính trị ảnh 1

. Ông hình dung công việc của mình và các cơ quan trung ương sẽ thế nào nếu Chính phủ và các bộ chuyển lên Ba Vì?

+ Chưa bao giờ nghĩ xa xôi đến thế cả. Còn bây giờ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an đều khởi công trụ sở mới ở Mỹ Đình rồi. Trụ sở Bộ Quốc phòng thì ngay Nguyễn Tri Phương đây. Các bộ khác, hoặc trong nội thành cũ, hoặc có làm mới thì cũng ra Mỹ Đình… Từ trung tâm Ba Đình tới đó, đường chim bay vài cây số. Quỹ đất thì vẫn còn quanh khu vực Hồ Tây đây…

. Nhưng nếu không có một trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì trục Thăng Long đâu cần thiết?

+ Thì đương nhiên. Vì xuất hiện trung tâm hành chính trên đó thì mới có lý để mở trục Thăng Long. Hai cái gắn với nhau. Nếu không có ý tưởng Ba Vì thì tôi cho là ngay các chuyên gia quy hoạch cũng không vẽ ra một trục như vậy.

Nếu cần, Quốc hội ra nghị quyết

. Có ý kiến băn khoăn là liệu các góp ý của đại biểu Quốc hội có được Chính phủ tiếp thu, bởi phê duyệt quy hoạch thủ đô là quyền Thủ tướng…

+ Hiến pháp và các luật đều quy định Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia. Song nội hàm những vấn đề nào là quan trọng thì cho đến giờ vẫn chưa thật cụ thể hóa. Đấy là vấn đề pháp lý. Tuy nhiên, Hà Nội là thủ đô của cả nước, mà “cả nước vì thủ đô, thủ đô vì cả nước” thì rõ ràng ai cũng thấy phát triển thủ đô là vấn đề quan trọng.

Còn thực tiễn hoạt động của Quốc hội thì đã có những trường hợp, Chính phủ và các cơ quan do Quốc hội bầu ra, trong hoạt động của mình vẫn thường xuyên báo cáo với Quốc hội. Và trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ ra nghị quyết.

. Nhưng Nghị quyết 15/2008 của Quốc hội về sát nhập Hà Tây vào Hà Nội nói là Chính phủ chỉ đạo xây dựng đồ án quy hoạch thủ đô và báo cáo Quốc hội. Vậy có thể hiểu Quốc hội giao toàn quyền cho Chính phủ việc phê duyệt quy hoạch không?

+ Đây là giao để chỉ đạo thực hiện và phải báo cáo để Quốc hội có ý kiến bằng văn bản. Nhưng văn bản thể hiện thế nào cho pháp quy. Cũng có người cho là Quốc hội góp ý kiến để Chính phủ thấy hợp lý thì tiếp thu trước khi phê duyệt chính thức. Nhưng như tôi nói, thực tiễn cũng có trường hợp Quốc hội thấy cần thiết thì ra nghị quyết.

Cho nên qua việc này thấy cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, rành mạch hơn, đỡ phải giải thích. Thống nhất được nhận thức ngay trong luật sẽ hạn chế những gì luồn lách, không theo quỹ đạo của nhà nước pháp quyền.

Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo đầy đủ

. Vậy thể thức văn bản thể hiện ý kiến của Quốc hội tới đây sẽ thế nào? Có bằng một nghị quyết không?

+ Cứ nghe xem ý kiến đại biểu Quốc hội thế nào đã rồi Thường vụ sẽ tính cho phải. Nhưng dù có góp ý, quan điểm thế nào nữa thì Quốc hội chỉ mong muốn vì một thủ đô ngàn năm lịch sử, truyền thống cách mạng, với vị trí đặc biệt về chính trị-kinh tế. Ít nhất, ý kiến của Quốc hội cũng là đại diện cho ý kiến của cử tri cả nước về đồ án này.

. Báo cáo của Chính phủ nói là sẽ trình Thủ tướng phê duyệt đồ án này vào tháng 8 tới. Nhưng nếu kết quả thảo luận tại Quốc hội, đa số ý kiến phản đối việc chuyển trung tâm hành chính quốc gia ra Ba Vì thì sẽ xử lý vấn đề này thế nào?

+ Đây là Quốc hội cho ý kiến lần đầu thôi. Còn để đến quyết định chính thức, Chính phủ sẽ phải làm đầy đủ các thủ tục theo nghị quyết của Quốc hội. Sẽ phải lấy ý kiến của nhân dân cả nước, rồi tổ chức nhiều hội thảo mở rộng tới các chuyên gia… Rồi Chính phủ sẽ phải họp các ngành hữu quan lại, tiếp thu các ý kiến đóng góp.

Nhưng vấn đề quan trọng thế này, dù giao ai ký phê duyệt nữa thì vẫn phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Thực tiễn vận hành bộ máy nhà nước trong thể chế chính trị của ta, dù có phân công, phối hợp giữa ba nhánh quyền lực thì nhánh nào khi ra các quyết định quan trọng cũng đều phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Mà Bộ Chính trị có cho ý kiến thì cũng sẽ nghe cả ý kiến của Đảng đoàn Quốc hội, của các tổ chức đảng trong hệ thống chính trị.

. Tức là Đảng đoàn Quốc hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu để báo cáo Bộ Chính trị?

+ Trước mắt là tổng hợp chuyển cho Chính phủ để tiếp thu đã. Còn trong hệ thống Đảng, phải theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Khi nào Bộ Chính trị yêu cầu, Đảng đoàn Quốc hội sẽ có ý kiến. Tất nhiên Đảng đoàn sẽ không bị động, mà sẽ chủ động bàn bạc tập thể vấn đề này.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN thực hiện

Đại biểu Hà Nội nói gì?

Làm đường để bán đất?

ĐB Nguyễn Ngọc Đào: Nói thật, tôi có hơn 1 ha đất gần sân golf Đồng Mô, mua cách đây 10 năm, hơn 100 triệu đồng. Bỏ bẵng bao lâu, vừa rồi có người hỏi: “Bác bán cho em 1 tỉ đồng không?”. Khi đưa ra quy hoạch này, ta có dự liệu được sự rối ren trong quan hệ đất đai hay không? Có lường được câu hỏi lớn của dân: Có ông nào có mấy trăm hecta trên đấy nên mở quy hoạch này trục lợi cá nhân?

Tôi yêu cầu Chính phủ phải có thật đầy đủ các loại thông tin. Phải trả lời cho dân chúng biết trục Thăng Long là trục tâm linh, hoàng đạo hay như dân bảo, “hay các bác làm trục này để đất ở đấy có giá hơn nơi khác?”…

Siêu dự án “treo”?

ĐB Chu Sơn Hà: Quốc hội vừa bàn chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc 56 tỉ USD, nay lại đến đồ án quy hoạch 90 tỉ USD. Giải pháp tài chính thế nào, chứ cử tri lo ngại tính khả thi của đồ án. Có khi giống như các dự án làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, đại học quốc gia, khu công nghệ cao Láng-Hòa Lạc…, đồ án này lại trở thành một siêu dự án “treo”.

Quy hoạch cũ thì sao?

ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Chả biết đồ án mới này có kế thừa các quy hoạch cũ không chứ mỗi lần quy hoạch là cả một đống ngân sách đổ vào. Quy hoạch được phê duyệt rồi, doanh nghiệp, nhân dân lại bỏ tiền ra để đầu tư theo quy hoạch. Giờ lại vạch ra quy hoạch mới thì những cái đang làm theo kiểu cũ giải quyết thế nào?

Hợp thức hóa dự án đã cấp phép?

ĐB Phạm Thị Loan: Tôi cảm giác đồ án này hợp thức hóa những dự án đã cấp phép. Nhất là trục Thăng Long, có cái gì đó không bình thường. Tôi cũng không hiểu vì sao lại đưa trung tâm hành chính lên tận Ba Vì trong khi trung tâm chính trị lại ở Ba Đình. Hai địa điểm cùng chung chữ “Ba” mà cách nhau cả mấy chục km.

Còn năng lực và giải pháp thực hiện thế nào? Vẽ thì đẹp nhưng có thực hiện được không? Nguồn vốn từ giờ tới 2050 cần 90 tỉ USD, thế bao nhiêu dự án cần thiết khác của quốc gia thì sao?

VĂN TIẾN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm