Quốc hội thảo luận về Đồ án quy hoạch Hà Nội: Ý kiến chủ đạo: Phản đối và băn khoăn

Không đi đâu cả!

Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi góp ý về ý tưởng dời đô lên Ba Vì.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ: Chính phủ ra Ba Vì một mình thì rất buồn. Chẳng lẽ mỗi lần báo cáo Quốc hội lại phải vượt mấy chục cây số vào tận đây. Nói chung, tách trung tâm hành chính ra xa như thế, cả về mặt tình cảm, truyền thống lẫn phong thủy thấy đều không hợp lắm. Mấy bộ lớn như Quốc phòng, Công an, Ngoại giao đều đã có trụ sở hoặc đang xây trụ sở mới ở đây, tới 40 năm nữa phải ra đi, không hợp lý lắm.

Đưa Chính phủ lên Ba Vì, khó bảo vệ an ninh

Tại tổ đại biểu số 10, sáu người phát biểu thì cả sáu phản đối ý tưởng này. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa nói: “Dư luận quan tâm nhất là việc dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Việc này, lý sự của Chính phủ chưa rõ. Tách như vậy, cơ quan hành chính trung ương cách trung tâm chính trị Ba Đình 50 km thì điều hành thế nào? Hệ thống chính trị của ta, Đảng lãnh đạo bằng cầm quyền, không thể tách như vậy được”.

Là thiếu tướng quân đội, trước khi tham gia Quốc hội là phó tư lệnh Quân khu 2, ông Khoa cho rằng việc tách hai trung tâm hành chính, chính trị như vậy sẽ rất khó đảm bảo an ninh, quốc phòng. “Thời bình, bảo đảm an ninh, an toàn cho một trung tâm đã khó, giờ lại làm hai là sao? Hay như có người nói làm trục Thăng Long để chạy lên núi cho nhanh?”.

Quốc hội thảo luận về Đồ án quy hoạch Hà Nội: Ý kiến chủ đạo: Phản đối và băn khoăn ảnh 1

Đại biểu Quốc hội xem sa bàn quy hoạch Hà Nội ngoài hành lang nghị trường.

Các nhà khoa học chỉ ra có hai loại thủ đô phân quyền và tập quyền. Trên thế giới chỉ có chín nước theo mô hình phân quyền. Hà Nội theo đồ án này là theo mô hình ấy. Nhưng như ông Khoa phân tích, chín thủ đô phân quyền đó chủ yếu ở châu Phi. Ở tiêu chí khác, 29 thủ đô trên thế giới có lịch sử 1.000 năm thì cho đến nay chỉ có hai nước dời đô là Hàn Quốc, Myanmar. Trường hợp Hàn Quốc, lý do chính là TP Seoul quá sát biên giới Triều Tiên. Thăng Long-Hà Nội ngàn năm nên theo tướng Khoa, chẳng cần dời đâu cả.

Thành viên Chính phủ cũng chưa đồng tình

Đại biểu Quách Cao Yềm, Phó trưởng đoàn chuyên trách của Kon Tum, cũng chia sẻ ý kiến này. Ông nói: “Tách khu hành chính ra Ba Vì, xa khỏi trung tâm chính trị Ba Đình, xem ra phong thủy không ngon lắm. Tác giả đồ án lý giải là nội đô thiếu đất, phải chuyển là không thuyết phục. Hà Nội mà chuyển được các bệnh viện, đại học, nhà máy ra ngoài thì khắc có đất”.

Đồ án quy hoạch Hà Nội là do Chính phủ chỉ đạo xây dựng nhưng ngay thành viên Chính phủ như Bộ trưởng-Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cũng chưa tán thành. “Vấn đề đầu tiên phải định rõ và thống nhất với nhau là trung tâm hành chính-chính trị quốc gia phải là một - ông nói - Quan điểm của tôi là không dịch chuyển trung tâm hành chính ra ngoài”. Ngắn gọn và dứt khoát, ông bảo Thăng Long-Hà Nội ngàn năm tuổi. Ba Đình - hoàng thành Thăng Long ở đó và thế hệ Hồ Chí Minh cũng ở đó. Cứ thế an cư mà lạc nghiệp.

Còn đâu thành phố sông Hồng?

Điểm nhấn trục Thăng Long

Theo đồ án quy hoạch, trục Thăng Long nắm giữ vai trò trục giao thông nối Ba Vì với Hoàng Quốc Việt, Hồ Tây. Kết thúc trục Thăng Long (tại Ba Vì) là khu vực dự trữ đất quốc gia dành để xây dựng trung tâm hành chính quốc gia sau năm 2050.

Ngoài ra, trục Thăng Long cũng được kỳ vọng kết nối văn hóa Thăng Long-Hà Nội với văn hóa Xứ Đoài. Trên trục này sẽ xây dựng một số công trình kiến trúc, lịch sử, giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế, có Đài Độc lập và công viên cảnh quan…

Kể chuyện quy hoạch thủ phủ của tỉnh nhà, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Thào Xuân Sùng cho biết thị xã Sơn La có đặc thù nằm sát một con sông rất đẹp và giữa thị xã có di tích nhà tù Sơn La. Thời trước, cả tỉnh ủy, UBND và HĐND từng thống nhất xin bàn chuyển tỉnh lỵ tới một địa điểm khác rộng rãi hơn. Nhưng khi hỏi ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó đã chất vấn một câu mà mọi việc phải dừng lại: Vậy có chuyển được dòng sông và di tích nhà tù theo không? Liên hệ với thủ đô, ông Sùng nhận xét: “Quy hoạch mới phải kế thừa quy hoạch cũ, tức Hà Nội phải là thành phố sông Hồng. Nhưng đến đồ án này, chả thấy bóng hình dòng sông đâu cả. Dường như Hà Nội mới và mấy đô thị vệ tinh đều lệch về nam sông Hồng cả”.

Từng tham gia ý kiến trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương, đến buổi thảo luận này, Bí thư Sùng cho rằng chưa thể yên tâm để Thủ tướng tháng 8 tới phê duyệt. “Liên quan đến thủ đô của cả nước, đến khoản đầu tư 90 tỉ USD nên đồ án này rất quan trọng. Quốc hội cho ý kiến lần này để Chính phủ tiếp thu và báo cáo tiếp tại kỳ họp tới. Đến lúc ấy, Quốc hội cần ra nghị quyết” - ông nói.

NGHĨA NHÂN - THÀNH VĂN

Quốc hội thảo luận về Đồ án quy hoạch Hà Nội: Ý kiến chủ đạo: Phản đối và băn khoăn ảnh 2
Quốc hội thảo luận về Đồ án quy hoạch Hà Nội: Ý kiến chủ đạo: Phản đối và băn khoăn ảnh 3
Quốc hội thảo luận về Đồ án quy hoạch Hà Nội: Ý kiến chủ đạo: Phản đối và băn khoăn ảnh 4

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm