Trên số báo ngày 20-7, Pháp Luật TP.HCM có bài viết “TP.HCM: Nhiều đại biểu ủng hộ bỏ HĐND quận, phường”. Theo đó, nhiều đại biểu HĐND quận, phường và đại biểu HĐND TP đều đồng tình với đề xuất không tổ chức HĐND quận, phường của UBND TP.
Về việc này, PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật TP.HCM (ảnh), đã có bàn luận về cơ sở hiến định, cơ chế đại diện và cơ chế giám sát khi không tổ chức HĐND quận, phường tại TP.HCM.
Phù hợp với tình hình mới
. Phóng viên: Thưa ông, TP.HCM có kiến nghị không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Theo ông, đề xuất này có phù hợp với các cơ sở pháp lý hiện nay?
+ PGS-TS Vũ Văn Nhiêm: TP.HCM đã có hai lần trình đề án chính quyền đô thị năm 2007 và năm 2014 nhưng chưa được thông qua. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, từ cuối năm 2019, TP.HCM tiếp tục xây dựng đề án chính quyền đô thị để trình các cơ quan có thẩm quyền.
Một trong những nội dung trong đề án chính quyền đô thị lần này là thí điểm xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, huyện, TP thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Tức là không tổ chức HĐND ở quận, huyện, TP (thuộc TP.HCM) mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Tương tự, ở phường, xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Điều 111 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.
Có thể thấy điểm mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992 là đã có sự phân biệt giữa “chính quyền địa phương” và “cấp chính quyền địa phương”. Cụ thể, “cấp chính quyền địa phương” thì có cả HĐND và UBND, còn “chính quyền địa phương” thì không nhất thiết phải có cả HĐND và UBND, được tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đây chính là quy định mở đường để tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Nói cách khác, mỗi đơn vị hành chính của nước ta sẽ không cào bằng mà tùy theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo có thể tổ chức một mô hình phù hợp: Có thể có cả HĐND và UBND (khi đó gọi là cấp chính quyền địa phương), hoặc chỉ tổ chức UBND (khi đó gọi là chính quyền địa phương).
Cần chú ý rằng việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương không cào bằng, có đơn vị hành chính có cả HĐND và UBND, có đơn vị hành chính chỉ tổ chức cơ quan hành chính (mà không có cơ quan dân cử) không phải đến Hiến pháp năm 2013 mới có, mà từ bản hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946 đã quy định vấn đề này.
Như vậy, việc TP.HCM và một số địa phương đề xuất mô hình này chính là kế thừa và tiếp thu kinh nghiệm lập hiến của Hiến pháp năm 1946 vào điều kiện và tình hình mới hiện nay.
Cán bộ UBND phường Bến Thành, quận 1 kịp thời giải quyết các hồ sơ cấp bách cho dân. Ảnh: LÊ THOA
Đổi mới cơ chế đại diện, giám sát
. Theo quan sát thực tiễn của ông, hiện nay hoạt động của HĐND quận, phường tại TP.HCM hiệu quả như thế nào?
+ Với tính chất là cơ quan dân cử, HĐND được tổ chức và đã tồn tại nhiều năm ở cả ba cấp: Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Có lẽ không ít lần chúng ta đã từng tổng kết về hoạt động của HĐND và không ít ý kiến cho rằng HĐND, nhất là HĐND ở cấp huyện và cấp xã còn mang tính hình thức.
Mặc dù vậy, chúng ta không thể phủ nhận vai trò của cơ quan này. Bởi HĐND là thiết chế hiện thân của dân chủ, là cơ quan đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND có vai trò trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương và giám sát việc tuân theo hiến pháp và pháp luật ở địa phương.
. Vậy khi không còn HĐND quận, phường thì cơ chế giám sát của HĐND sẽ được thay thế như thế nào, thưa ông?
+ Để mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, phường) trong đề án chính quyền đô thị của TP.HCM lần này thuyết phục và hợp lý, chúng ta cần xem xét, cân chỉnh, có các biện pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên của mặt trận, các đoàn thể ở quận, phường.
Làm sao cho MTTQ ở các cấp địa phương thực sự là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đây phải là cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Đồng thời, MTTQ tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội…
Mặt khác, cần khởi động lại dự luật về hội, nhanh chóng trình Quốc hội thông qua dự luật này. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần phát huy tinh thần giám sát, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, nhất là những vấn đề bức xúc của nhân dân đến các cơ quan nhà nước.
. Còn HĐND cấp TP sẽ phải thay đổi cơ chế vận hành ra sao, thưa ông?
+ Do không có HĐND ở quận, phường nên gánh nặng của HĐND quận và phường trước đây sẽ dồn lên vai HĐND TP. Điều đó có nghĩa việc chỉ tổ chức một cấp chính quyền TP sẽ ảnh hưởng đến việc bảo đảm tính đại diện, quyền làm chủ của các tầng lớp nhân dân ở các quận, phường. Đồng thời, hoạt động giám sát của HĐND quận và phường trước đây sẽ bị bỏ trống khi thiết chế này không còn hiện diện ở quận và phường.
Như thế, HĐND TP cần cân chỉnh lại số lượng đại biểu để bảo đảm hợp lý tính đại diện. Chẳng hạn, theo Cục Thống kê TP.HCM, TP hiện có 322 đơn vị cấp xã (bao gồm 259 phường, năm thị trấn và 58 xã); số lượng đại biểu HĐND TP có thể là 322/2 = 161 đại biểu (mỗi đại biểu đại diện cho hai phường kế nhau) và được bầu theo cách thức đơn vị bầu cử một đại diện. Nghĩa là hai phường kế nhau thành một đơn vị bầu cử và mỗi đơn vị bầu cử này bầu duy nhất một đại biểu.
Với cách thức bầu cử này, hiệu quả của tính đại diện và trách nhiệm giải trình được nâng lên ở mức độ cao nhất.
. Xin cám ơn ông.
Nâng chất lượng đại biểu HĐND TP Khi không tổ chức HĐND quận, phường, ngoài việc cân chỉnh lại số lượng đại biểu theo hướng tăng, chúng ta cần phải nâng chất lượng của đại biểu HĐND TP, để mỗi đại biểu HĐND phải thực sự nói lên tiếng nói, nguyện vọng của người dân. Khi đó, mặc dù không tổ chức HĐND ở quận, huyện nhưng mối liên hệ giữa HĐND TP với nhân dân; giữa từng đại biểu với cử tri trong đơn vị bầu cử mà họ là đại diện không những không xa hơn mà gần hơn. Đại biểu phải phản ánh từng ngóc ngách, từng hơi thở cuộc sống của người dân đã bầu ra họ. |