Khu vực dịch vụ tại TP.HCM có tốc độ hồi phục khá nhanh vì lý do này

(PLO)- Năm 2024 kinh tế TP.HCM tăng trưởng 7,17% nhưng vẫn chưa quay lại được với xu hướng tăng trưởng giai đoạn trước dịch COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 25-12, Đại học Kinh tế TP.HCM, Cục Thống kê TP.HCM tổ chức tọa đàm và ra mắt ấn phẩm "Kinh tế TP.HCM phục hồi và sẵn sàng trong kỷ nguyên mới”.

GS TS Sử Đình Thành, Giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết, đơn vị này phối hợp cùng Cục Thống kê TP.HCM nghiên cứu phát hành ấn phẩm kinh tế TP.HCM năm 2024 với chủ đề “TP.HCM chuyển mình trong kỷ nguyên mới, vươn tầm ra khu vực và thế giới”.

Đây là chủ đề khá tham vọng gói gọn trong những tổng kết cơ bản nhưng quan điểm của nhóm nghiên cứu là các vấn đề kinh tế của TP.HCM phải đặt trên nền tảng nhận thức khoa học.

Qua đó, bạn đọc và đặc biệt chính quyền thành phố có cách nhìn toàn diện, đánh giá các điểm nghẽn. Từ đó gợi mở những gì thành phố có thể tháo gỡ để vươn mình xứng đáng là trung tâm kinh tế lớn cả nước và vươn mình ra khu vực.

Chi phí sinh hoạt ở TP.HCM tăng nhanh hơn lương

Chia sẻ một số nội dung của ấn phẩm, TS Hồ Hoàng Anh, Giảng viên Đại học kinh tế TP.HCM, chủ biên ấn phẩm cho biết, năm 2024 kinh tế của TP.HCM tăng trưởng 7,17% nhưng vẫn chưa quay lại với xu hướng tăng trưởng giai đoạn trước dịch COVID-19 (2014-2019).

Đây là điều cũng dễ hiểu bởi cùng một lúc TP.HCM vừa phục hồi kinh tế vừa chuyển đổi mô hình kinh tế sang hướng công nghệ cao và xanh hóa.

Đặc biệt, khu vực dịch vụ có tốc độ hồi phục khá nhanh so với tốc độ tăng trưởng trung bình trước dịch, đặc biệt chín nhóm ngành dịch vụ trọng điểm.

Dẫn đầu trong chín nhóm này là thương nghiệp bán buôn bán lẻ và vận tải chiếm hơn 40% ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, khẳng định vai trò trụ cột của hai ngành này trong lĩnh vực dịch vụ.

Tốc độ tăng trưởng cao của ngành dịch vụ chủ yếu đến từ tăng trưởng trong tiêu dùng của người dân và du lịch.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện bốn ngành dịch vụ tiềm năng gồm Tài chính, Ngân hàng, Khoa học công nghệ, Giáo dục không chịu cú sốc của dịch mà tăng trưởng đều đặn từ 2019 đến nay.

Đáng chú ý, kết quả báo cáo cũng cho thấy sản lượng bốn ngành công nghiệp trọng điểm của TP.HCM có đến ba ngành là điện tử, cơ khí, lương thực thực phẩm chưa phục hồi mạnh mẽ.

Có hai nguyên nhân, trong đó do ngành công nghiệp trọng điểm chưa hấp dẫn thu hút các doanh nghiệp đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cảnh đầu ra thị trường duy trì ổn định mà DN chưa muốn đầu tư là do tiếp cận tín dụng khó khăn.

Mặt khác, ngay cả các DN FDI không bị ảnh hưởng bởi tín dụng trong nước nhưng vẫn chưa đầu tư có thể thấy thêm nguyên nhân nữa là tỉ suất sinh lời đầu tư ở TP.HCM chưa cao. Qua đó, cho thấy chi phí sản xuất đầu vào tại thành phố tăng cao nguyên nhân cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chi phí lao động cao.

“Nhóm nghiên cứu chúng tôi khá bất ngờ khi kết quả cho thấy lực lượng lao động ở TP.HCM sụt giảm sau dịch nhưng đi kèm là tỉ lệ lao động qua đào tạo cũng giảm. Số lượng lao động qua đào tạo rời khỏi thành phố nhiều và xu hướng dịch đến các tỉnh thành khác. Vì vậy, TP.HCM áp lực thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn đến chi phí DN tăng”-TS Anh phân tích.

Đặc biệt, kết quả cho thấy do chi phí sinh hoạt ở TP.HCM tăng nhanh hơn tiền lương là lý do nhân lực chất lượng cao không chọn ở lại hay quay về TP.HCM.

kinh tế TP.HCM
TS Hồ Hoàng Anh tóm tắt một số nội dung của ấn phẩm tại tọa đàm

Năm 2025 TP.HCM đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ

TS Anh cho biết, các tổ chức thế giới dự báo kinh tế thế giới năm 2025 tiếp tục đà tăng trưởng. Riêng kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi nhưng vẫn gặp thách thức.

Theo TS Anh, để TP.HCM dịch chuyển nhanh sang mô hình tăng trưởng mới, trong bối cảnh chung của toàn cầu và nội tại của Việt Nam, thành phố cần xác định đâu là điểm mạnh của mình để có thể chuyển dịch mô hình tăng trưởng tương xứng.

Từ tín hiệu của thị trường, nhóm nghiên cứu đề xuất thành phố có lợi thế lớn trong ngành dịch vụ, có năng lực cạnh tranh tốt, đặc biệt là hai ngành dịch vụ trụ cột, bốn ngành dịch vụ tiềm năng.

Khi xác định lợi thế của mình thành phố tập trung phát triển cấu trúc nền tảng gồm cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, nhà ở, giáo dục, y tế…Như vậy, giải quyết cơ sở hạ tầng là bước đi hiệu quả trong việc giúp thành phố chuyển dịch nhanh sang cơ cấu sản xuất kinh tế mới.

“Tốc độ tăng trưởng cao hơn đi kèm mô hình tăng trưởng mới là chìa khóa then chốt để tương lai TP.HCM gia nhập nhóm thành phố có thu nhập cao có nền kinh tế hiện đại”-TS Anh nói.

Góp ý tại tọa đàm, GS.TS Trần Hoàng Ngân đồng tình với chủ đề của báo cáo và đề xuất của nhóm nghiên cứu về các động lực tăng trưởng của TP.HCM.

Bên cạnh đó, TS Ngân cho rằng nhóm nghiên cứu không nên lấy dữ liệu năm 2024 để đánh giá mà cần tổng hợp cả quá trình. Cụ thể, giai đoạn 2011-2020 kinh tế thành phố tăng trưởng 6,82%, cả nước 6,21%; 2016-2020 thành phố tăng trưởng 6,43%, cả nước tăng 5,99%.

Giai đoạn vừa rồi cho thấy kinh tế của thành phố có giảm nhưng đóng góp tổng thu ngân sách của TP.HCM vẫn giữ phong độ 26%-27%.

“Năm nay TP.HCM đóng góp tổng thu ngân sách 508.000 tỉ đồng vượt cột mốc 500.000 tỉ đồng, đây là điều quan trọng chứ không nhìn riêng tốc độ tăng trưởng"-TS Ngân nói.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, TP.HCM đã xác định chủ đề cho năm sau là "Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số; Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội; giải quyết cơ bản những vướng mắc, tồn đọng của thành phố".

Do đó, năm 2025 tiếp tục tạo nền móng, cơ sở để năm 2026 tự tin bước vào kỷ nguyên mới với những năng lực thực thụ, thế mạnh của mình.

Thế mạnh lớn nhất của TP.HCM là dịch vụ, trong đó cần quan tâm dịch vụ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với những trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm R&D…

Ngoài ra, dịch vụ y tế chất lượng cao, dịch vụ giáo dục, dịch vụ văn hóa, dịch vụ tài chính… phải được quan tâm trong giai đoạn mới.

Đối với dịch vụ tài chính đã có Nghị quyết của Bộ Chính trị, Kết luận Nghị quyết chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình Quốc hội về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM. Như vậy hệ sinh thái đi theo Trung tâm này là hàng loạt dịch vụ về bất động sản, logistics…

“Với những chia sẻ này mong nhóm nghiên cứu có thêm thông tin giúp thành phố có thêm dữ liệu thông tin quan trọng để điều hành trong thời gian tới”-TS Ngân nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TP.HCM cho biết, nhóm nghiên cứu nhận định kinh tế TP.HCM năm 2024 tiếp tục phục hồi và tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể GRDP quý I của thành phố tăng 6,79%, quý II đạt 6,53%, quý III tăng 7,36%, quý IV tăng 7,95%.

Theo ông Hoàng, tuy kinh tế TP.HCM năm nay tăng trưởng 7,17% không cao như kỳ vọng nhưng đóng góp GRDP 22% cả nước, cho thấy TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước.

Năm 2025, theo nhận định của Ngân hàng Standard Chartered kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8%, riêng sáu tháng cuối năm tăng 6,1%. Kết quả dự báo này ngược chu kỳ so với các năm khác nhưng phù hợp với báo cáo của nhóm nghiên cứu.

Do đó, trước mắt TP.HCM đẩy mạnh tăng tốc trong sáu tháng đầu năm. Sau đó, các giải pháp trong từng thời điểm của sáu tháng cuối năm là nhiệm vụ quan trọng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm