Ngày 26-5, sau một ngày chính thức xả trạm, khu vực trạm BOT T2 trên quốc lộ 91 (phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) trở nên thông thoáng. Thỉnh thoảng có tài xế dừng lại mua vé, sau khi được nhân viên giải thích, họ vui vẻ lái xe đi.
Trước đó, chiều 25-5, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã chỉ đạo Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang cho xả trạm T2 để đảm bảo an ninh, trật tự cho khu vực. Thời gian xả trạm bắt đầu từ ngày 25-5 và kéo dài khoảng 10 ngày. Trong thời gian xả trạm, Tổng cục Đường bộ phối hợp với các địa phương liên quan cùng chủ đầu tư tiến hành rà soát, xem xét việc miễn, giảm phí mới cho người dân tỉnh Đồng Tháp; tiếp tục xem xét các trường hợp được miễn, giảm của người dân tỉnh An Giang và TP Cần Thơ.
Thông tin với PV Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết thêm Bộ đang xem xét các vấn đề liên quan đến giao thông tại trạm T2. Khi PV hỏi trạm T2 dừng đến khi nào thì Thứ trưởng Nhật cho biết tạm thời dừng thu phí cho đến khi giải quyết xong các vấn đề phát sinh ở trạm này rồi sẽ tính tiếp.
Theo ghi nhận, từ 15 giờ ngày 25-5, BOT T2 đã chính thức cho xả trạm. Ông Nguyễn Văn Kiệm, Trạm trưởng trạm T2, cho biết vào thời điểm này ông chưa nhận được chỉ đạo tạm dừng thu phí. Tuy nhiên, trước tình trạng tài xế phản ứng gây ùn tắc giao thông nên trạm đã chủ động tạm dừng thu phí để đảm bảo giao thông thông suốt.
“Những ngày qua, các tài xế phản ứng khiến BOT T2 phải xả trạm khoảng 30-40 lần/ngày. Sự việc cứ diễn ra liên tục, chúng tôi cũng không thu phí được, lại gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông nên chúng tôi lại chủ động xả từ 15 giờ” - ông Kiệm thông tin.
Trước đó, sau khi cầu Vàm Cống khánh thành thì nhiều tài xế đã có phản ứng việc thu phí của trạm T2. Theo các tài xế, họ đi từ An Giang lên cầu Vàm Cống, hoặc qua quốc lộ 80 về Kiên Giang và ngược lại chỉ sử dụng quãng đường khoảng 300 m nhưng phải trả phí cả lộ trình là không hợp lý. Các tài xế yêu cầu dời trạm hoặc họ chỉ trả số tiền tương ứng với quãng đường mình sử dụng.