Khủng hoảng Biển Đỏ và hành động của Trung Quốc

(PLO)- Theo chuyên gia, dù Trung Quốc nỗ lực kiềm chế Houthis tấn công ở Biển Đỏ nhằm bảo vệ những lợi ích của nước này ở khu vực nhưng khó tạo ra sự đột phá. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong bối cảnh nhóm vũ trang Houthis (Yemen) tiếp tục tấn công vào các tàu hàng di chuyển trên Biển Đỏ, Trung Quốc (TQ) đã có những nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng, khôi phục an toàn và ổn định tại khu vực này.

TQ nỗ lực giảm căng thẳng ở Biển Đỏ

Tháng trước, ông Vương Đích - Vụ trưởng Vụ Tây Á và Bắc Phi của Bộ Ngoại giao TQ, là nhà ngoại giao TQ đầu tiên đến thăm Saudi Arabia và Oman, kể từ khi căng thẳng trên Biển Đỏ nổi lên, theo tờ South China Morning Post (SCMP).

Trong tất cả cuộc họp với các quan chức Trung Đông, gồm Saudi Arabia, Oman và Yemen, ông Vương đều gửi đi thông điệp rằng Bắc Kinh rất coi trọng việc “duy trì an ninh, ổn định ở khu vực Biển Đỏ” và sẵn sàng hợp tác với các đối tác để “khôi phục lại an toàn và ổn định” ở khu vực này.

Bên cạnh đó, nhà ngoại giao TQ cũng kêu gọi ngừng bắn ở Gaza vì cho rằng khủng hoảng Biển Đỏ là biểu hiện của căng thẳng lan từ cuộc xung đột tại Gaza.

Đằng sau việc Trung Quốc nỗ lực ngăn Houthis tấn công ở Biển Đỏ
Tàu chở hàng Rubymar của Anh, từng bị lực lượng Houthis tấn công ở Biển Đỏ vào tháng trước, đã bị chìm. Ảnh: EPA-EFE

Bắc Kinh cũng được cho là đã kêu gọi Iran kiềm chế Houthis tấn công ở Biển Đỏ khi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Mã Triêu Húc đã nói với người đồng cấp Iran - ông Ali Bagheri rằng Bắc Kinh cần “sự an toàn hàng hải ở vùng Biển Đỏ”.

Tuy nhiên, các học giả cho rằng nỗ lực ngoại giao của TQ khó có thể mang lại bất kỳ bước đột phá nào trong căng thẳng ở Biển Đỏ.

Đằng sau nỗ lực của TQ

Ông Lưu Hân Lộ - giám đốc Trường nghiên cứu Ả Rập tại ĐH Ngoại ngữ Bắc Kinh (TQ) cho rằng chuyến công du của ông Vương Đích cho thấy cuộc khủng hoảng Biển Đỏ có liên quan mật thiết đến lợi ích của TQ, theo SCMP.

Theo ông Lưu, mặc dù Houthis không tấn công vào tàu TQ nhưng hành lang Biển Đỏ có liên quan vận tải biển thế giới và do đó việc vận chuyển dầu khí và hàng hóa qua tuyến đường này vẫn ảnh hưởng lớn đến Bắc Kinh.

Chuyên san Foreign Policy đánh giá rằng sự gián đoạn tuyến vận chuyển Biển Đỏ cũng làm tổn thương các khoản đầu tư của TQ ở Trung Đông.

TQ đã đổ hàng chục tỉ USD vào các cơ sở ở Biển Đỏ, gồm các cảng, đường sắt, nhà máy và loạt dự án khác ở Đông Phi, Saudi Arabia và Sudan, một phần được tài trợ thông qua các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường. Hiện tại, tất cả những dự án này đều đang gặp nguy hiểm do sự cố vận chuyển ở Biển Đỏ.

Tuy nhiên, ông Doãn Cương - nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội TQ cho rằng vì ông Vương Đích không được coi là quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nên chuyến thăm của ông là một chuyến thăm thường lệ, thể hiện sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc can dự nhiều hơn vào tình hình Biển Đỏ.

Ông Doãn lưu ý rằng vì Houthis “bật đèn xanh” cho các tàu TQ và Nga trong hành lang thương mại ở Biển Đỏ, Bắc Kinh đã duy trì cách tiếp cận cân bằng để không bị cáo buộc là "âm mưu với Houthis và Iran".

Đằng sau việc Trung Quốc nỗ lực ngăn Houthis tấn công ở Biển Đỏ
Trung Quốc nỗ lực kiềm chế lực lượng Houthis tấn công ở Biển Đỏ. Ảnh: AP

Bắc Kinh từ lâu đã ủng hộ chính phủ hợp pháp hiện đang lưu vong của Yemen nhưng cũng ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Yemen, tránh có lập trường cứng rắn đối với Houthis. TQ đã tìm cách đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột ở Yemen khi ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Đông ngày càng tăng, nhất là sau khi nước này làm trung gian hòa giải cho Iran và Saudi Arabia.

Tuy nhiên, về vấn đề Houthis tấn công ở Biển Đỏ, ông Doãn đánh giá rằng TQ không có khả năng cũng như động lực để can dự sâu hơn. Học giả này cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến lược trung lập “trừ khi các lợi ích sống còn của TQ bị tổn hại, chẳng hạn như một cuộc tấn công diện rộng vào các tàu Trung Quốc”.

Trung Quốc đã gửi tín hiệu rắn ở Biển Đỏ?

Trong khi đó, ông Jean-Loup Samaan - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Trung Đông của ĐH Quốc gia Singapore cho rằng lập trường của TQ là giữ khoảng cách với các nước phương Tây, trong bối cảnh Mỹ gần đây thúc giục TQ cùng Mỹ làm nhiều hơn để tìm giải pháp cho khủng hoảng ở Trung Đông.

“Bởi vì TQ cho rằng Mỹ là nguyên nhân chính đằng sau sự bất ổn trong khu vực ở Trung Đông, nên Bắc Kinh coi chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng do Mỹ dẫn đầu để bảo vệ tuyến đường Biển Đỏ và các cuộc không kích chống lại Houthis là những yếu tố góp phần vào sự leo thang” - ông Samaan nhận định.

Chiến dịch Bảo vệ Thịnh vượng là một liên minh hải quân đa quốc gia được thành lập vào tháng 12-2023 để đối phó việc Houthis tấn công ở Biển Đỏ.

Trong khi đó, TQ chưa công bố triển khai lực lượng nào để giúp bảo vệ các tuyến đường Biển Đỏ, mặc dù Bắc Kinh có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực. TQ đặt căn cứ hải quân ở nước ngoài đầu tiên ở Djibouti, nằm ngay phía tây bờ biển Yemen do Houthis kiểm soát.

Vào ngày 21-2, TQ đã phái Hạm đội 46 của Hải quân nước này tới bảo vệ Vịnh Aden và vùng biển ngoài khơi Somalia, nơi nối liền Biển Đỏ và Biển Ả Rập, thay thể Hạm đội 45.

Hải quân TQ cho biết Hạm đội 46 bao gồm 1 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường, 1 tàu khu trục tên lửa và một tàu tiếp tế toàn diện. Cạnh đó, Hải quân TQ còn triển khai 700 sĩ quan và binh sĩ, hàng chục nhân viên lực lượng đặc biệt và 2 máy bay trực thăng tới trong đợt triển khai này.

Tuy nhiên, Hải quân TQ không đề cập cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và Bộ Quốc phòng TQ sau đó cũng phủ nhận Hạm đội 46 có liên quan khủng hoảng Biển Đỏ và gọi đây là “hoạt động hộ tống thường xuyên”.

Mặc dù TQ không tham gia các chiến dịch do Mỹ dẫn đầu trong khu vực, nhưng học giả Doãn cho rằng sự hiện diện mạnh mẽ của Hạm đội 46 đã gửi tín hiệu rõ ràng tới Iran và Houthis rằng TQ sẽ bảo vệ an toàn hàng hải ở khu vực này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm