Trung Quốc tái nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine

(PLO)- Với việc cử đặc phái viên tới Nga, Ukraine và một số nước châu Âu, Trung Quốc đang tái khởi động nỗ lực hòa giải xung đột Nga - Ukraine.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo thông báo từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Mao Ninh, từ ngày 2-3, ông Lý Huy, đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, lên đường tới Nga, Ukraine và một số nước châu Âu để tiến hành vòng ngoại giao con thoi thứ hai nhằm thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine, theo tờ China Daily. Trước đó, vào tháng 5-2023, ông Lý đã đến những quốc gia trên với nỗ lực tương tự.

PGS Trương Hân tại ĐH Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) nhận định cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với cuộc xung đột bao gồm thúc đẩy đàm phán hòa bình, không gửi vũ khí cho Nga và cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, theo tờ South China Morning Post.

Trung Quốc nỗ lực tìm lối ra cho xung đột

Điểm đến đầu tiên trong chuyến ngoại giao con thoi lần thứ hai của ông Lý là Nga. Hôm 3-3, ông Lý đã gặp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin tại thủ đô Moscow (Nga). Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, ông Lý và ông Galuzin trong cuộc gặp “tuyên bố rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về giải pháp ở Ukraine đều không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia của Nga và tính đến lợi ích an ninh của nước này”, hãng thông tấn TASS đưa tin. Phía Trung Quốc chưa ra thông cáo về cuộc họp.

Sau Nga, ông Lý dự kiến sẽ đến trụ sở Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels (Bỉ), Ba Lan, Ukraine, Đức và Pháp, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc Đề cập mục đích chuyến công du ngoại giao con thoi của ông Lý, bà Mao tuần rồi cho biết ưu tiên cấp bách nhất hiện nay là khôi phục hòa bình ở Ukraine. “Các cuộc đàm phán hòa bình bắt đầu càng sớm thì thiệt hại càng ít” - bà Mao nói.

Bà Mao nhấn mạnh rằng Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy hòa bình và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Bà cho biết Trung Quốc đã liên lạc sâu sắc với Nga, Ukraine và nhiều quốc gia khác, đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng. “Trung Quốc không ngồi yên hoặc đổ thêm dầu vào lửa và không kiếm lợi nhuận từ đó. Mọi việc chúng tôi làm đều hướng đến một mục tiêu, đó là xây dựng sự đồng thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến và mở đường cho đàm phán hòa bình” - bà Mao cho hay.

Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2-2022, Trung Quốc đã tích cực can dự nhằm tìm kiếm một giải pháp giải quyết xung đột. Việc cử ông Lý tiến hành ngoại giao con thoi lần đầu tiên tới Nga, Ukraine và châu Âu vào tháng 5-2023 là minh chứng cho thấy nỗ lực hòa giải của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tuy nhiên, nỗ lực khi đó của Trung Quốc chưa đạt nhiều thành công một phần là vì yếu tố thời gian hay nói cách khác các điều kiện cho một giải pháp chính trị vẫn chưa chín muồi, theo tờ South China Morning Post (SCMP). Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich (Đức) hồi tháng trước cũng đưa ra nhận xét tương tự, đồng thời kêu gọi một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột.

Trung Quốc hoà giải xung-dot-Nga-Ukraine.jpg
Đặc phái viên của Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu Lý Huy tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hồi tháng 6-2023. Ảnh: JADE GAO/AFP

Triển vọng hòa đàm Nga - Ukraine

Theo giới chuyên gia, việc tái khởi động vòng ngoại giao con thoi lần thứ hai cho thấy Bắc Kinh một lần nữa có thể đóng vai trò dẫn đầu trong việc đạt được giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, vốn sẽ xác định tương lai của châu Âu, theo SCMP.

Dù vậy, đánh giá về bước đi mới của Trung Quốc, một số chuyên gia bày tỏ sự lạc quan thận trọng đối với Bắc Kinh trong nỗ lực môi giới hòa bình giữa Nga và Ukraine. Theo ông Trương Hân, PGS quan hệ quốc tế tại ĐH Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc), việc thiếu bước đột phá lớn trong đàm phán kết thúc giao tranh là vì các bên liên quan đến xung đột có “quan điểm rất khác nhau và quyền lợi rất cao trong việc giành được chiến thắng cuối cùng”. Theo ông Trương, “bất kỳ bên nào khác, bao gồm Trung Quốc, đều có ảnh hưởng hạn chế đến việc xoay chuyển kết quả cuối cùng”.

Nỗ lực tái khởi động vai trò trung gian hòa giải của Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ ba và chưa có dấu hiệu giảm giao tranh, đặc biệt là sau khi Ukraine rút quân khỏi Avdiivka. Dù vậy, gần đây xuất hiện dấu hiệu về triển vọng đàm phán chấm dứt xung đột.

Phát biểu tại Diễn đàn Ngoại giao Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) hôm 1-3, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov khẳng định Moscow không từ bỏ ý tưởng đàm phán hòa bình với Kiev nhưng không thấy sự mong muốn chân thành từ phía Ukraine hoặc các nước phương Tây, theo đài RT.

Về phía Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông kỳ vọng sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Thụy Sĩ vào mùa xuân này để các bên tham gia thảo luận về tầm nhìn hòa bình của ông. Phía Thụy Sĩ cũng đã đồng ý sẽ tổ chức hội nghị này, song thời gian và địa điểm cụ thể vẫn chưa được ấn định, theo hãng tin Reuters. Phía Kiev để ngỏ khả năng mời Nga tham dự hội nghị hòa bình ở Thụy Sĩ. Trong khi đó, điện Kremlin nói rằng ý tưởng tổ chức đàm phán hòa bình mà không có Nga là điều vô lý.

Moscow đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng phía Kiev phải thừa nhận “thực tế mới trên thực địa”. Ngược lại, Ukraine yêu cầu khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và rút toàn bộ lực lượng Nga, theo Reuters.•

Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm trung gian hòa đàm Nga - Ukraine

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Ngoại giao Antalya hôm 1-3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan kêu gọi tăng cường nỗ lực sắp xếp các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine.

“Ở giai đoạn hiện tại của cuộc chiến, chúng ta cần nghiêm túc tìm cách đưa các bên lại gần nhau và thiết lập đối thoại. Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng hơn bao giờ hết để cung cấp bất kỳ sự trợ giúp nào để sắp xếp cuộc đàm phán hòa bình”.

Trước đó, phát biểu trực tuyến tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - Đông Nam Âu ở Albania hôm 28-2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết Ankara sẵn sàng đóng vai trò trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine một lần nữa, theo hãng thông tấn Anadolu.

Tổng thống Erdogan cho hay ông vẫn giữ quan điểm rằng ngoại giao và đối thoại sẽ tạo cơ hội cho một giải pháp công bằng và lâu dài đối với cuộc xung đột ở Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm