Khuyến khích di cư lao động ra nước ngoài an toàn

Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Việt Nam (VN) Chang-Hee Lee cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề”.

Gửi về nhà 2,5-3 tỉ USD mỗi năm

ILO ghi nhận số lượng người dân VN ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính của Chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà 2,5-3 tỉ USD mỗi năm. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.

Di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến. Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý.

ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này. 

ILO duy trì nguyên tắc đã được thông qua tại Công ước 181 về các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997 và Nghị định thư 2014 liên quan đến Công ước 29 về lao động cưỡng bức năm 1930, rằng người lao động, đặc biệt là lao động di cư phải được bảo vệ khỏi sự lạm dụng và hoạt động tuyển dụng phi pháp. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư do vậy cần phải được đảm bảo rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.

Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào.

Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng người lao động VN  phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất lên đến 11 tháng để có thể chi trả các khoản nợ. Hơn 3/4 lao động VN được phỏng vấn trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.

ILO khuyến nghị Chính phủ VN hiện đang xem xét, sửa đổi pháp luật liên quan đến việc quản trị lao động di cư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân.

Một người dân ở Hà Tĩnh tìm cơ hội làm việc ở Anh vừa mất tích. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Đem tiền về chỉ để xây nhà

Theo báo cáo giám sát gần đây nhất của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về người lao động (NLĐ) VN đi làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010-2017 tại Nghệ An và Hà Tĩnh, nhiều lao động không được tư vấn về doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài nên bị lừa gạt, phải qua “cò” gây tốn kém.

Thậm chí doanh nghiệp ký hợp đồng không đúng với thực tế khiến NLĐ phải về nước sớm hoặc thu nhập thấp, nhất là NLĐ ở miền núi vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số chưa nắm được chính sách, chế độ, tình hình nhu cầu lao động và thị trường.

ILO khuyến nghị sử dụng các thuật ngữ “di cư lao động”, “dịch chuyển lao động” thay vì “xuất khẩu lao động” bởi “lao động không phải là hàng hóa”. 

Cạnh đó, việc công khai, minh bạch thông tin các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chưa đầy đủ, cụ thể nên khó khăn cho lao động lựa chọn doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp đào tạo tay nghề, ngoại ngữ và đào tạo định hướng còn hạn chế, dẫn đến chất lượng lao động thấp, khó tham gia thị trường các nước hoặc sang làm việc không đảm bảo yêu cầu, phải về nước sớm.

Tại Nghệ An, bình quân hằng năm có 12.000-13.000 người đi làm việc có thời hạn. Nguồn thu ngoại tệ gửi về qua ngân hàng đạt hơn 250 triệu USD/năm. Báo cáo của tỉnh cho thấy hiện 12.435 NLĐ của tỉnh đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng lao động.

Theo đoàn giám sát, tại Hà Tĩnh và Nghệ An người đi xuất khẩu lao động đem về nguồn kinh phí tốt nhưng chỉ tập trung vào xây nhà, mua sắm đồ đạc cá nhân chứ ít đầu tư phát triển sản xuất. Do đó, chưa phát huy được những nguồn lực này trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Lao động ở nước ngoài gửi về Hà Tĩnh trên 4.000 tỉ đồng mỗi năm

Từ năm 2010 đến 2017, Hà Tĩnh có 50.270 người đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng, bình quân mỗi năm có 6.300 người. Số lao động này tập trung chủ yếu ở các huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc. Trong 10 năm liên tục Hà Tĩnh đứng thứ ba cả nước về số lao động đi làm việc nước ngoài, chiếm gần 1/3 tổng số chỉ tiêu giải quyết việc làm của toàn tỉnh.

“Hoạt động xuất khẩu lao động đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho NLĐ và nguồn ngoại tệ cho địa phương. Chỉ tính riêng số tiền lao động gửi về cho gia đình đã đạt trên 4.000 tỉ đồng/năm…” - đoàn giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về NLĐ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm