ILO một lần nữa khẳng định cam kết hỗ trợ việc quản trị vấn đề lao động di cư dựa trên quyền.
Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee cho biết: “Khi quyền của lao động di cư được tôn trọng và hành trình di cư của họ được an toàn, bản thân họ, gia đình và cả xã hội có thể được hưởng lợi từ nguồn kiều hối gửi về cũng như nâng cao được kỹ năng tay nghề".
ILO ghi nhận số lượng người dân Việt Nam ra nước ngoài làm việc gia tăng. Riêng trong năm 2019 đã có hơn 142.000 người lao động xuất cảnh (trong đó 50.000 nữ lao động) đi làm việc theo hợp đồng. Theo ước tính của Chính phủ, người lao động di cư gửi về nhà 2,5-3 tỉ USD mỗi năm. Ngoài ra, các báo cáo cũng cho thấy sự gia tăng đối với luồng di cư không hợp thức sang các nước trong khu vực và châu Âu.
Di cư lao động không hợp thức đề cập tới hiện tượng người dân di chuyển ngoài khuôn khổ pháp luật, quy định hoặc các hiệp định quốc tế liên quan tới việc nhập cảnh và xuất cảnh từ quốc gia xuất phát, quốc gia trung chuyển hoặc quốc gia điểm đến. Di cư lao động không qua các kênh hợp thức khiến người lao động có nguy cơ bị bóc lột lao động, hạn chế khả năng tiếp cận hỗ trợ và công lý.
ILO nhấn mạnh việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình phức tạp để từ đó tăng số lượng lao động đi qua các kênh này.
Việc tăng cường các kênh di cư hợp thức thông qua giảm chi phí và đơn giản hóa các quy trình để tăng số lao động qua các kênh này. ILO duy trì nguyên tắc đã được thông qua tại Công ước 181 về các tổ chức dịch vụ việc làm tư nhân năm 1997 và Nghị định thư 2014 liên quan đến Công ước 29 về lao động cưỡng bức năm 1930, rằng người lao động, đặc biệt là lao động di cư phải được bảo vệ khỏi sự lạm dụng và hoạt động tuyển dụng phi pháp. Nợ nần khi di cư sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro bị mua bán và cưỡng bức lao động. Lao động di cư do vậy cần phải được đảm bảo rằng họ không phải trả bất kỳ phí hoặc chi phí tuyển dụng nào.
Một nghiên cứu gần đây của ILO và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy người lao động có rất ít khả năng kiểm soát sự thành công hay thất bại trong quá trình di cư, cho dù quyết định lựa chọn di cư của họ là theo kênh nào. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra rằng người lao động Việt Nam đã phải trả chi phí cao nhất so với một số nước trong khu vực để đi làm việc ở nước ngoài. Lao động cũng phải vay mượn khoản tiền lớn nhất và làm việc trong khoảng thời gian lâu nhất lên đến 11 tháng để có thể chi trả các khoản nợ. Hơn ba phần tư lao động Việt Nam được phỏng vấn (77% lao động nam và 75% lao động nữ) trả lời rằng họ bị vi phạm quyền lao động khi làm việc ở nước ngoài.
ILO khuyến nghị Chính phủ Việt Nam hiện đang xem xét sửa đổi pháp luật liên quan đến việc quản trị lao động di cư ra nước ngoài. Đây chính là cơ hội quan trọng để cải thiện khung pháp lý về di cư lao động và giúp các kênh di cư hợp thức trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân. Sử dụng các thuật ngữ “di cư lao động”, “dịch chuyển lao động” thay vì “xuất khẩu lao động” bởi “lao động không phải là hàng hóa".