Khuyến khích doanh nghiệp công bố kế hoạch thưởng Tết sớm

(PLO)- Công đoàn các quận tại TP.HCM hiện đang tăng cường giám sát lương, thưởng, chăm lo Tết, bảo vệ quyền lợi, chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động dịp cuối năm.

Ngày 22-11, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ cấp ủy thành phố Thủ Đức, quận, huyện và cấp ủy cấp trên tương đương để trao đổi tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố năm 2024.

Toàn cảnh buổi hội nghị.

Tại hội nghị, ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM cho biết cho biết tình hình quan hệ lao động trên địa bàn thành phố được đánh giá cơ bản ổn định trong năm 2024.

Ông Phùng Thái Quang, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM chia sẻ tại hội nghị.

Theo ông Quang, sự ổn định này đến từ việc phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn, chính quyền và các doanh nghiệp. Tính từ đầu năm đến nay, toàn địa bàn thành phố chỉ xảy ra 4 vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 4 doanh nghiệp, giảm 3 vụ so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, một số vấn đề nổi cộm trong quan hệ lao động vẫn xuất hiện, chủ yếu xoay quanh nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), một số doanh nghiệp chậm hoặc không thực hiện nghĩa vụ với người lao động.

Ngoài ra, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu theo quy định Nhà nước đôi khi không được thực hiện đầy đủ hoặc đúng hạn, dẫn đến bức xúc trong người lao động” - ông Quang cho hay.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Quang, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp, chính quyền và tổ chức công đoàn.

“Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng và đầy đủ các nghĩa vụ pháp lý đối với người lao động trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn. Ngoài ra, công khai các chính sách về lương, thưởng, phúc lợi nhằm tạo sự đồng thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các chương trình phúc lợi dài hạn, tạo niềm tin và động lực làm việc cho người lao động” - ông Quang đề nghị.

Cũng tại hội nghị, bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết các cơ quan chức năng sẽ làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp để giám sát tình hình trả lương, BHXH và các khoản phúc lợi khác, nhất là vào dịp tết Nguyên đán 2025, khi nhu cầu chi trả lương, thưởng và phúc lợi cho người lao động gia tăng.

Bà Lượng Thị Tới, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM.

“Mục tiêu là đảm bảo tất cả người lao động được hưởng đầy đủ quyền lợi, đồng thời duy trì sự ổn định trong quan hệ lao động. Các doanh nghiệp được khuyến khích công bố kế hoạch chi trả tiền thưởng sớm để người lao động có thể yên tâm hơn trong dịp Tết. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng sẽ tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, thắc mắc từ người lao động và doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện các chính sách này.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục rà soát và hoàn thiện các văn bản pháp lý, bảo đảm sự tuân thủ các quy định pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc bảo vệ quyền lợi người lao động.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP.HCM phát biểu kết luận tại hội nghị.

Ông cũng cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp, tập trung vào việc triển khai công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tại các cơ sở.

Dịp này, Đảng đoàn LĐLĐ TP.HCM đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp công tác với Ban Thường vụ Thành ủy Thủ Đức và Ban Thường vụ các quận ủy, huyện ủy giai đoạn 2025-2028.

Nhiều hoạt động chăm lo tết Nguyên đán 2025

LĐLĐ TP.HCM đã ban hành các kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động chăm lo Tết Ất Tỵ năm 2025 cho đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động Thành phố.

Nổi bật nhất là chương trình “Tết Sum vầy - Xuân đoàn kết” sẽ được triển khai với mục tiêu chăm lo cho 15.000 hộ gia đình đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, bị nợ lương, nợ BHXH, bị ảnh hưởng bởi bão lũ các tỉnh phía Bắc. Cạnh đó là chăm lo cho những đoàn viên không có điều kiện về quê đón Tết. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 27 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP.HCM còn phối hợp tổ chức “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” nhân dịp tết Nguyên đán 2025, với chủ đề “Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt”.

Chương trình sẽ hỗ trợ cho 9.500 đoàn viên công đoàn khó khăn và đoàn viên nghiệp đoàn khu vực lao động phi chính thức, mỗi người được hỗ trợ 1 triệu đồng để mua sắm tại phiên chợ. Tổng kinh phí thực hiện chương trình là 9,5 tỉ đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới