Kiếm được 260.000 USD trong mùa dịch nhờ chợ online

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 18-3, "Gian hàng Việt Nam- Vietnam Pavilion" do Cục Xúc tiến Thương mại và Sàn thương mại điện tử (TMĐT) Alibaba.com xây dựng, chính thức được khai trương.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, "Gian hàng Việt Nam- Vietnam Pavilion" là không gian hàng hóa của Việt Nam trên sàn TMĐT Alibaba.com, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp Việt Nam.

Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu và hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh với các khách hàng từ 190 quốc gia và khu vực.

Bà Nguyễn Xuân Hải Yến, Phó giám đốc Proline Việt Nam, một doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì, cho biết, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch nhưng doanh thu từ việc xuất khẩu thông qua TMĐT đã đạt 200% so với 2020.

"Thực tế, doanh thu xuất khẩu của công ty chúng tôi 100% đến từ hoạt động TMĐT. Con số tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu thực sự đã "gánh" doanh thu cho cả thị trường trong nước của năm 2021 vừa qua"- bà Yến bày tỏ.

Cũng theo bà Yến, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, khiến việc hoạt động có phần bị ảnh hưởng, khách hàng không thể sờ tận tay, coi tận mắt những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra.

Song, theo vị phó giám đốc này, với các tính năng mới của sàn B2B online như hội trợ trực tuyến, livestream... đã giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn về mặt cảm quan hàng hóa, tiết giảm chi phí đi lại, ngoại giao, mà vẫn tìm kiếm được nguồn khách hàng phong phú.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu thông qua sàn TMĐT quốc tế. Ảnh: Thu Hà

Tương tự, bà Trần Thị Yến Phi, Giám đốc điều hành DSW, một doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cũng thổ lộ, chỉ sau một năm kinh doanh trên sàn TMĐT Alibaba.com, doanh thu của DSW từ 3.000 USD cho đơn hàng đầu tiên đã tăng lên 260.000 USD trong mùa dịch.

Theo đó, công ty đã tập trung hàng thương hiệu, chất lượng và tìm kiếm khách hàng ở những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU hay các nước khu vực Đông Nam Á.

"Nhờ vào hoạt động thương mại số, DSW đã tránh được những tác động của việc xuất nông sản theo hướng truyền thống như ùn tác hay đóng biên"- bà Phi nói.

Ở góc độ quản lý sàn TMĐT, ông Andrew Zheng, Phó tổng giám đốc Alibaba.com đánh giá cao năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

"Họ đã và đang có được uy tín mạnh mẽ với khách hàng toàn cầu về năng lực sản xuất, sản phẩm chất lượng cao, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích phải kể đến thực phẩm, đồ uống, nhà, vườn, làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp..."- ông Andrew Zheng nhấn mạnh.

Cũng theo vị này, cùng với các hiệp định thương mại tự do FTA được ký kết gần đây và tăng trưởng thương mại toàn cầu gia tăng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 28 nghìn tỷ USD trong năm qua, cao hơn 11% so với mức trước COVID (theo Liên hợp quốc, UNCTAD và IMF). 

 Đây là những ưu điểm và điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tìm kiếm các mô hình kinh doanh bền vững thông qua các phương tiện số. Từ đó, các doanh nghiệp có thể tăng tốc phục hồi và thậm chí có được tăng trưởng bền vững, giảm bớt rào cản xuất khẩu vào các thị trường mới.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại kỳ vọng, việc kết hợp với sàn Alibaba.com là sàn bán sỉ có lượng người mua sỉ lớn từ hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, các ngành như nông sản, thực phẩm chế biến- đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, chế phẩm nhựa và chất dẻo, bao bì đóng gói của Việt Nam hoàn toàn có lợi thế cạnh tranh trên sàn Alibaba.com về chi phí giá thành.

"Đặc biệt, thông qua hoạt động thương mại số, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoàn toàn có thể xuất khẩu sản phẩm mang chính tên mình, vượt lên bóng lưng của ông lớn để khách hàng nhớ mặt, gọi tên, tìm chỗ đứng trong thị trường ngoài nước"- ông Phú chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm