Kiểm soát lạm phát, tránh 'té nước theo mưa' khi tăng lương

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra cần có giải pháp tránh hiện tượng 'té nước theo mưa' khi lương cơ bản vừa tăng từ 1-7.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-7, Viện Kinh tế- Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức hội thảo nhận định về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2024.

Nỗi lo lạm phát

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6-2024 đã tăng 4,34% so với cùng kỳ năm trước. Tính trung bình, CPI đã tăng 4,39% trong quý II-2024 và tăng 4,08% trong nửa đầu năm 2024. Các con số nêu trên đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng kiểm soát lạm phát trong cả năm 2024.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính nhận định, áp lực lạm phát trong năm nay không quá lớn. Sở dĩ lạm phát so với cùng kỳ và lạm phát trung bình ở mức cao như hiện nay chủ yếu là do tác động từ các cuộc điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giáo dục trong quý III-2023.

Bởi vậy, trong quý III năm nay, khi hiệu ứng từ các cuộc điều chỉnh giá này giảm dần. Lạm phát so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh và lạm phát trung bình cũng sẽ giảm theo nếu không có các cuộc điều chỉnh giá quy mô lớn đối với các mặt hàng được Nhà nước quản lý.

kiểm soát lạm phát.jpg
Người tiêu dùng lo ngại hiện tượng "té nước theo mưa" khi tăng lương. Ảnh: MINH TRÚC

Hơn nữa, nếu nhìn vào tốc độ tăng CPI trong 6 tháng năm 2024, có thể thấy rằng áp lực lạm phát đang ở mức vừa phải. Nếu xét riêng trong quý II-2024, CPI chỉ tăng trung bình 0,1%/tháng. "Đây đều là các mức vừa phải trong 5 năm gần đây".

Mặc dù vậy, theo PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế, lạm phát mặc dù được kiểm soát trong ngưỡng mục tiêu nhưng lạm phát cơ bản có xu hướng tăng cao suốt từ đầu năm 2021 đến đầu năm 2023 và từ giữa năm 2023 đến nay.

Bên cạnh đó, biến động giá cả hàng hóa toàn cầu và việc thực hiện lộ trình điều chỉnh giá nhiều mặt hàng thiết yếu (điện, nước…), giá dịch vụ công, nhất là điều chỉnh tăng lương từ ngày 1-7 vừa qua, có khả năng sẽ tác động tới việc kiểm soát lạm phát.

Song, Cục Quản lý giá cũng dự báo áp lực lạm phát trong nửa cuối năm rõ nét và mạnh hơn so với nửa đầu năm. Việc quản lý, điều hành giá tiếp tục chịu áp lực lớn do ảnh hưởng từ tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo.

Với những lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ cho hay, mặc dù lương cơ sở được tăng từ 1-7, nhưng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế (chưa đến 8%). Bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.

Cân nhắc khi điều chỉnh giá hàng thiết yếu

Trên cơ sở tình hình lạm phát nửa đầu năm và những yếu tố tác động tới giá cả thị trường nửa cuối năm 2024, TS Nguyễn Đức Độ đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho cả năm.

Cụ thể, trong kịch bản cao, giá dầu tăng nhẹ, tỷ giá ổn định, CPI tăng trung bình 0,23%/tháng trong nửa cuối năm 2024, lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,6%.

Trong kịch bản trung bình, giá dầu và tỷ giá đều ổn định, lạm phát trung bình cả năm ở sẽ mức 3,4%.

Trong kịch bản thấp, kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái cuối năm 2024, giá dầu và tỷ giá giảm, CPI thậm chí có thể giảm, lạm phát trung bình cả năm 2024 sẽ ở mức 3,2%.

Tuy mức độ lạm phát cả năm được dự báo trong tầm kiểm soát, nhưng theo ông Độ, không thể chủ quan do vẫn còn nhiều biến số khó lường. Bởi, dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá.

Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao cũng ảnh hưởng tới giá cả mặt bằng trong nước.

Để kiểm soát lạm phát nhằm hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024, PGS. TS Ngô Trí Long khuyến nghị, công tác điều hành chính sách cần ưu tiên chú trọng đảm bảo ổn định vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Các bộ ngành chủ động rà soát các phương án điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường; đánh giá kĩ tác động đối với mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều chỉnh giá phù hợp.

Còn theo PGS.TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho rằng, để kiểm soát lạm phát, giải pháp quan trọng cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng, Ngân hàng Nhà nước duy trì lãi suất thấp và mở rộng tín dụng có kiểm soát.

“Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất, tiêu dùng nhằm đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh và gia tăng tổng cầu qua tiêu dùng cá nhân” - ông Nguyên khuyến nghị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm