Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội vừa được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29-6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 1,4% so với tháng 12-2023 nhưng đã tăng tới 4,34% so với cùng kỳ năm trước.
Theo cơ quan này, mức tăng 0,17% so với tháng trước có tác động của giá thịt heo tăng mạnh do dịch tả heo châu Phi xảy ra tại một số địa phương. Giá dịch vụ y tế của một số tỉnh, thành phố được điều chỉnh tăng, cũng khiến CPI tăng nhẹ.
Như vậy, CPI bình quân quý 2-2024 đã tăng 4,39% so với quý 2-2023. Trong đó, giáo dục tăng mạnh 8,15%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,63%.
Nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; hàng ăn và dịch vụ ăn uống; giao thông; đồ uống và thuốc lá; văn hóa, giải trí và du lịch; may mặc, mũ nón và giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình đều là nhóm có chỉ số tăng.
Chỉ riêng bưu chính, viễn thông giảm 1,36%.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm tăng 4,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2023 chủ yếu do chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng.
Bên cạnh đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng cũng tăng.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, CPI cơ bản (chỉ số giá tiêu dùng sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục) tháng 6-2024 tăng 0,18% so với tháng trước, tăng 2,61% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản đạt 2,75% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
GDP quý 2 tăng trưởng tích cực
Tại cuộc họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý 2-2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, bước sang quý 3, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
“Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và nhân dân cả nước", bà Hương nói.