CPI tháng 2 tăng gần 4% chủ yếu do giá gạo, giá thực phẩm tăng cao trong Tết

(PLO)- Theo Tổng cục Thống kê, giá gạo, giá thực phẩm tăng cao do nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã khiến CPI tháng 2 tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-2, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 2-2024. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 1,04% so với tháng trước và tăng 3,98% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 tăng cao chủ yếu do có Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Nhu cầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ của người dân cao hơn, bên cạnh đó, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá xăng dầu, gas cũng “đắt đỏ” hơn theo xu thế quốc tế.

Bà Oanh chỉ ra tại nhóm lương thực, chỉ số giá gạo tăng 2,2% (trong đó, gạo tẻ tăng 2% và gạo nếp tăng gần 3%).

“Hiện, giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu, do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các thị trường truyền thống như Philipine, Indonesia và Trung Quốc. Bởi, nguồn cung gạo toàn cầu đang giảm từ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng. Thêm vào đó, Ấn Độ duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo,” bà Oanh cho hay.

giá gạo
Giá gạo, giá thực phẩm tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân khiến CPI tháng 2 tăng 1,04% so với tháng trước. Ảnh: M.T

Giá gạo và nhu cầu tiêu dùng cho Tết Nguyên đán tăng cao đồng thời tác động đến chỉ số giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng tăng cao, như giá thịt lợn tăng 3,9%; giá thịt bò tăng 1,7%; giá thịt gia cầm tăng 2% và chỉ số giá thủy sản tươi sống tăng 1,8%.

Ngoài ra, các nhóm hàng có chỉ số giá tháng 2 tăng so với cùng kỳ năm trước bao gồm: nhóm giáo dục tăng cao nhất (với 8,55% do trong năm học 2023-2024 một số tỉnh, thành phố đã tăng mức học phí); nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm giao thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch.

Theo bà Oanh, bình quân 2 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 2,84% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,67%). Điều này chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu, giá dịch vụ y tế và giá dịch vụ giáo dục là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

Giá vàng tăng 2% so với tháng trước

Theo báo cáo, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng Thế giới. Tính đến ngày 25-2, bình quân giá vàng Thế giới ở mức 2.037,18 USD/ounce, tăng 1,11% so với tháng Một.

Bà Oanh chỉ ra nguyên do các nhà đầu tư kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ sau chiến dịch tăng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, nhu cầu mua vàng cũng đang đi lên trước những căng thẳng địa chính trị kéo dài và kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Những yếu tố rủi ro trên đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn.

Trong nước, nhu cầu mua vàng lấy may trong ngày Thần Tài cũng góp phần đẩy giá vàng tăng 2% so với tháng trước và tăng 4,6% so với tháng 12-2023. Như vậy, giá vàng trong nước đã tăng gần 17% so với cùng kỳ năm ngoái và bình quân 2 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 16%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm