"Năm 2024 tăng trưởng GDP của Việt Nam được dự báo sẽ đạt từ 6,12 - 6,48%".
Đó là thông tin được Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đưa ra tại Hội thảo Kinh tế Việt Nam 2023 và triển vọng năm 2024: Cải cách để tăng tốc phục hồi tăng trưởng, tổ chức ngày 15-1 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp (CIEM) - cho biết, năm 2023, thương mại toàn cầu có dấu hiệu phục hồi dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, thị trường hàng hoá bất ổn.
Cũng theo vị chuyên gia này, các công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những đột phá thần tốc.
Theo CIEM, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng đáng ghi nhận của nền kinh tế.
Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20-12 đạt gần 36,6 tỉ USD, tăng 32,1% so với năm 2022.
Vốn FDI thực hiện năm 2023 ước đạt 23,18 tỉ USD, tăng 3,5% so với năm 2022, đánh dấu số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2023 ước đạt 683 tỉ USD, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 28 tỉ USD.
Từ tình hình kinh tế năm 2023, ông Dương đưa ra hai kịch bản dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024.
Kịch bản 1, kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi chậm, lạm phát neo cao, các nước chưa hạ lãi suất ở quy mô lớn, chuỗi cung ứng hàng hóa tiếp tục đối mặt với gián đoạn nghiêm trọng ở một số tuyến vận tải. Từ đó, tăng trưởng GDP của nước ta năm 2024 tăng 6,12%.
Kịch bản 2 trong điều kiện bối cảnh trong nước và quốc tế thuận lợi, tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,48%.
Báo cáo của CIEM cũng đưa ra 2 kịch bản xuất khẩu năm 2024, kịch bản 1 xuất khẩu của cả nước dự báo tăng 4,01%, kịch bản 2 xuất khẩu sẽ đạt 5,19%.
Xuất siêu trong năm 2024 dự báo tăng tương ứng theo các kịch bản lần lượt là 5,64 tỉ USD và 6,26 tỉ USD. Lạm phát năm 2024 được CIEM dự báo lần lượt ở mức 3,94% và 3,72%.
CIEM khuyến nghị, trong năm 2024 cần tiếp tục tập trung vào các chính sách thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế, trên cơ sở cải thiện vững chắc nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.
Nói về tăng trưởng GDP trong năm nay, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM - cho rằng nếu Việt Nam duy trì và làm sâu sắc hơn chất lượng cải cách thể chế thì kinh tế hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Ngoài ra, một số chuyên gia bày tỏ quan điểm, bước vào năm 2024, Việt Nam càng phải quyết liệt hơn với cải cách thể chế kinh tế để tăng tốc phục hồi tăng trưởng...