“Trong kế hoạch năm 2019, Sở sẽ xây dựng đề án khảo sát, lấy ý kiến người dân TP về nhu cầu đi lại bằng xe buýt” - ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết ngày 1-1-2019.
Thí điểm nhiều làn đường riêng cho xe buýt
Trong đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động vận tải hành khách - vận tải hàng hóa; quản lý nhu cầu giao thông cá nhân TP.HCM năm 2019 trình TP, Sở GTVT TP cho biết sẽ lập đề án tìm hiểu nguyên nhân việc người dân ít sử dụng xe buýt để đề ra các giải pháp phát triển lượng hành khách.
Sở GTVT có động thái này là do sau năm 2018, ngành xe buýt TP trải qua nhiều khó khăn, mạng lưới xe buýt đứng trước nguy cơ “vỡ trận” do khách giảm, nhiều tuyến xe buýt ngưng hoạt động, sự cạnh tranh gay gắt từ GrabBike và các ứng dụng xe ôm công nghệ.
Để vượt qua khó khăn, Sở GTVT TP cho biết kế hoạch năm 2019 sẽ tập trung đổi mới mô hình quản lý của các HTX vận tải xe buýt. Hướng đến việc phát triển doanh nghiệp vận tải theo mô hình quản lý tập trung, tổ chức sắp xếp lại các đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt.
5.525 là số phương tiện phục vụ hoạt động vận tải hành khách công cộng mà TP.HCM sẽ tập trung nguồn lực đầu tư đến năm 2020, trong đó có 4.306 xe buýt và 1.219 xe đưa rước học sinh. TP cũng dự kiến bổ sung kinh phí từ ngân sách để hỗ trợ lãi vay mua xe mới là 2.447 tỉ đồng và bố trí kinh phí trợ giá xe buýt giai đoạn 2018-2020 là 7.755 tỉ đồng. |
Ngoài ra, Sở GTVT TP cũng thực hiện thí điểm một số tuyến đường có bố trí làn dành riêng hoặc ưu tiên cho loại hình này như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, xa lộ Hà Nội... Sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và triển khai tiếp.
Sở GTVT TP cũng mở rộng mạng lưới xe buýt kết nối đến các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các đô thị vệ tinh; tổ chức các tuyến buýt kết nối với Cảng hàng không Tân Sơn Nhất đến các tỉnh lân cận.
Để kết nối đồng bộ, bãi trung chuyển xe buýt tại các khu vực trọng điểm sẽ được xây dựng. Đặc biệt là các bến bãi trung chuyển xe buýt gần các giao cắt giữa đường trục chính với tuyến Vành đai 2 nhằm hạn chế phương tiện giao thông vào trung tâm TP.
Hỏi ý kiến người đi xe buýt là một giải pháp TP thực hiện nhằm vực dậy hệ thống xe buýt. Ảnh: LƯU ĐỨC
Triển khai kiểm soát xe cá nhân
Một trong những giải pháp đồng bộ quan trọng để phát triển xe buýt, theo Sở GTVT là kiểm soát xe cá nhân. “Năm nay chúng tôi sẽ xây dựng và triển khai đề án thu phí lưu thông vào khu vực trung tâm TP, đồng thời hạn chế một số loại phương tiện giao thông cá nhân lưu thông vào một số tuyến đường, khu vực trung tâm TP trong các thời điểm nhất định” - ông Hưng nêu.
Theo đó, cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện việc hạn chế mô tô, xe gắn máy và ô tô trên 30 chỗ lưu thông trên một số tuyến đường, khu vực trung tâm vào một số giờ nhất định.
Ngành xe buýt TP.HCM trước sóng gió Nửa tháng cuối năm 2018, hàng loạt tuyến xe buýt cho biết sẽ ngưng hoạt động vì khách ít dẫn đến thua lỗ. Cuối tháng 12, Công ty CP Vận tải TP.HCM (Citranco) cho biết tới đây công ty sẽ chính thức ngưng tuyến xe buýt 54 (Bến xe Miền Đông - Bến xe Chợ Lớn). Tháng 10-2018, HTX vận tải xe buýt TP.HCM đã có đơn kiến nghị khẩn đến HĐND, UBND TP về việc đã và sẽ ngừng hoạt động nhiều tuyến xe buýt do hoạt động thua lỗ, mất khả năng trả nợ nguồn vốn vay đầu tư. Từ tháng 7 đến tháng 9-2018, TP đã có bốn tuyến xe buýt (các tuyến số 40, 149, 37, 60) phải tạm ngừng và phải cắt bớt lộ trình một tuyến xe buýt (tuyến 11). |