Kiếm tiền khủng mùa COVID-19 nhờ khai thác tốt sân nhà

Chọn thị trường trong nước tập trung khai thác, dù mức độ tăng trưởng không mạnh như xuất khẩu nhưng hàng loạt doanh nghiệp vẫn kiếm lợi nhuận khủng ngay trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành. Thậm chí không ít công ty còn tăng thêm doanh thu, mở rộng thị phần.

Tập trung vào thị trường nội địa

Dịch bệnh dường như không làm “sứt mẻ” đại gia ngành sữa Vinamilk khi kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng trong chín tháng qua. Thống kê sơ bộ từ Vinamilk cho thấy quý III-2020, lãi ròng đạt hơn 3.100 tỉ đồng. Con số này cao hơn cùng kỳ lên đến 2.677 tỉ đồng, thời điểm chưa có COVID-19 xuất hiện.

Lũy kế trong chín tháng đầu năm, đại gia sữa đạt gần 9.000 tỉ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Điều đáng lưu ý là trong các con số trên, hơn 80% nguồn lợi đến từ khai thác thị trường nội địa.

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, khẳng định dù xuất khẩu tốt nhưng thị trường trong nước vẫn là nhân tố trọng tâm để công ty khai thác và tìm kiếm sự tăng trưởng.

“Để thành công tại sân nhà, chúng tôi hỗ trợ nông dân chăn nuôi bò sữa nhằm đảm bảo có nguồn nguyên liệu chất lượng, hiệu quả về chi phí. Qua đó giúp công ty không tăng giá bán để cạnh tranh với các thương hiệu khác. Ngoài ra, Vinamilk thường xuyên tung ra các sản phẩm mới, sáng tạo và có chất lượng ưu tiên cho người tiêu dùng trong nước” - bà Mai Kiều Liên nói.

Nhiều công ty khác cũng  xem dịch bệnh như là một cơ hội thay vì thách thức nhằm tạo sự tăng trưởng đột phá thời kỳ hậu COVID-19. Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood, cho hay nhờ vào thị trường nội địa, công ty kinh doanh tốt hơn so với bình thường.

Chẳng hạn, ngay mùa dịch, công ty vẫn triển khai dự án lớn như mô hình chuỗi cà phê ông Bầu, nơi mà NutiFood góp 51% vốn điều lệ cho thương hiệu này. Mô hình này khá thành công khi chưa đến sáu tháng đã phát triển được gần 170 cửa hàng và dự tính đến cuối năm sẽ cán mốc 1.000 cửa hàng cà phê ông Bầu trên toàn quốc.

“Các nhà máy của chúng tôi vẫn hoạt động liên tục 24/24 giờ để cung cấp sản phẩm ra thị trường. Chúng tôi có quan điểm trong những lúc khó khăn và thử thách cũng là lúc có nhiều cơ hội từ thị trường nội địa. Đây cũng chính là bàn đạp để tăng trưởng và chạy nhanh hơn hậu COVID-19” - bà Lệ nhấn mạnh.

Tương tự, theo bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sài Gòn Food, các hoạt động kinh doanh của đơn vị vẫn tăng trưởng theo đúng kế hoạch. Điều này một phần nhờ công ty chọn nền tảng tập trung đầu tư cho thị trường nội địa từ cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ cho đến hệ thống quản lý.

“Chúng tôi chọn đưa ra những sản phẩm chất lượng, ngon nhất và giá cả phù hợp cho người tiêu dùng nội địa tương tự hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, công ty liên tục cho ra thị trường sản phẩm mới, củng cố chất lượng ngày càng tốt hơn nên nhận được niềm tin từ người tiêu dùng trong nước” - bà Lâm tự tin.

Lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm hàng Việt đã góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TÚ UYÊN

Tôn trọng và tạo niềm tin cho khách hàng

TS Farida Kbar, ĐH RMIT Việt Nam, đánh giá việc nhiều công ty chọn thị trường nội địa là sân chơi chính trong mùa dịch đã giúp họ thực sự hưởng lợi. Vì họ biết cách phát triển kinh doanh hướng về người tiêu dùng nội địa bằng cả sự tôn trọng và sự hiểu biết. Đó là chất lượng sản phẩm tốt, giá cả phù hợp thay vì lợi dụng dịch bệnh để tăng giá, làm ăn trí trá… nên đã tạo dựng sự trung thành nơi khách hàng.

“Một khi khách hàng có niềm tin thì trong bất kỳ bối cảnh nào họ vẫn hướng về sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu đó thay vì chọn các thương hiệu khác của nước ngoài” - TS Farida Kbar phân tích.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng cho hay khi đi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp Việt thì thấy rằng lúc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, các đơn vị trong ngành nhựa và gỗ có doanh thu nội địa tăng lên. Nguyên nhân là do người dân tận dụng thời gian dịch bệnh để sửa sang, mua sắm vật dụng trong nhà.

Điều này chứng tỏ thị trường trong nước đang đem lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp biết tái cấu trúc thị trường, sản phẩm, nguồn nhân lực để khai thác các khoảng trống thị trường do sự đứt gãy chuỗi cung ứng hoặc thay đổi thói quen tiêu dùng tạo ra.

“Tuy nhiên, để tạo cú hích mạnh mẽ cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn thì Nhà nước nên có những hỗ trợ thiết thực như đẩy mạnh các chương trình kích cầu hay tung ra các chương trình chi tiêu mua sắm trong nước. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết nội địa; đầu tư tăng mạnh quy mô các nhà máy chế biến sâu, nhiều giá trị gia tăng” - ông Chu Tiến Dũng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, nhiều nhà kinh doanh thừa nhận trong nhiều năm qua, thị trường nội địa Việt Nam với gần 100 triệu dân đã phát triển khá mạnh khi chất lượng hàng hóa được nâng cao, tạo niềm tin cho người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Tuy nhiên, sản xuất nội địa chưa gắn kết chặt chẽ với hệ thống phân phối. Nhiều công ty mới tập trung chăm chút cho khâu sản xuất, trong khi khâu phân phối làm chưa tốt nên phải qua nhiều khâu trung gian làm đội giá thành sản phẩm. Giá 1 kg cá từ trang trại tới tay người dùng có lúc tăng 2-3 lần là một ví dụ. Do vậy, để chiếm lĩnh thị trường nội địa cần hình thành các chuỗi sản xuất và phân phối hoạt động hiệu quả, phân chia lợi nhuận hợp lý giữa các khâu trong chuỗi.

Đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), thị trường nội địa đang phát triển có thể bổ sung một phần hoặc thậm chí đối trọng với thị trường nước ngoài. Đến nay, gần 1/6 dân số Việt Nam đã gia nhập tầng lớp trung lưu toàn cầu với chi tiêu bình quân đầu người hơn 15 USD mỗi ngày.

Với tốc độ hiện tại, mỗi năm sẽ có thêm 1 triệu người Việt Nam tham gia nhóm này. Tầng lớp trung lưu mới nổi này sẽ tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ không chỉ nhiều hơn mà còn chất lượng tốt hơn. Từ đó đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực thông qua sử dụng các nguồn lực hiệu quả và đổi mới, sáng tạo hơn.

Theo Bộ Công Thương, tính chung tám tháng đầu năm, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 2.553,6 ngàn tỉ đồng, chiếm 79,2% tổng mức và tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khi doanh nghiệp hướng tới thị trường nội địa, về mặt tổng thể sẽ tạo tính tự chủ cho hàng hóa Việt Nam hơn; doanh nghiệp làm chủ thị trường đất nước, đỡ phụ thuộc vào hàng hóa bên ngoài. Về lâu dài, họ mở rộng được thị trường nội địa sẽ tạo được một sân nhà vững chắc, là nền tảng để phát triển, bước tiếp sang thị trường xuất khẩu một cách mạnh mẽ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm