Chiều 5-6, Hiệp hội blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức hội thảo: Khung pháp lý VA- VASP (tài sản số/tài sản ảo - Nhà cung cấp dịch vụ tài sản số) lần 5: Nhìn từ góc độ người tiêu dùng.
Ông Trần Việt Hùng, Nguyên Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) cho biết, theo thống kê của hiệp hội, hiện nay dòng vốn đổ vào tài sản số tại Việt Nam đang cao gấp năm lần so với dòng vốn đầu tư từ FDI.
Điều này cho thấy tài sản số đã hiện hữu rõ rệt trong nền kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, dòng tiền này lại đang được thả trôi trong khu vực kinh tế ngầm mà chưa được quản lý trong một khung pháp lý hoàn chỉnh nào.
Vốn đầu tư tài sản số cao gấp 5 lần so với vốn FDI
Ông Hùng lo ngại, điều này gia tăng tình trạng rửa tiền, khủng bố và thất thoát dòng vốn cho doanh nghiệp, cũng như vấn đề thu thuế trong tương lai.
Thực tế hiện nay Việt Nam đang nằm trong danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF).
Chưa kể, do thiếu khung pháp lý hoàn chỉnh, các quy định liên quan đến VA-VASP của nước ta dù có nhưng lại nằm rải rác ở 19 văn bản quy phạm pháp luật.
Việc lẻ tẻ này đã dẫn tới tình trạng các hoạt động huy động vốn cộng đồng, gian lận, tiếp thị quảng bá dịch vụ tài sản ảo vẫn diễn ra tràn lan không phép, bao gồm cả trong khu vực các trường đại học và núp bóng dưới nhiều hoạt động phổ biến kiến thức.
Bên cạnh đó, khi các VASP hoạt động không phép sẽ có nguy cơ vi phạm Nghị định 13 về bảo vệ dữ liệu cá nhân khi thu thập dữ liệu cá nhân không hợp pháp, không bảo vệ dữ liệu cá nhân sử dụng dữ liệu cá nhân không đúng mục đích.
Dẫn ví dụ rõ, ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch thường trực VBA cho biết, theo thông tin từ cộng đồng nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, ALEO…thường xuyên tổ chức những hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh của các tổ chức uy tín nhằm thu hút huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân.
Nhiều báo cáo từ người dùng gửi tới VBA về việc họ bị lừa đảo thông qua việc nạp, gửi lên các nền tảng sàn giao dịch, ví tiền số không rõ thông tin như Mexc, BingX, Gate.io…
Tuy nhiên, việc truy vết hỗ trợ người dùng lại gặp khó bởi hầu hết các sàn này đều có máy chủ ở nước ngoài hoặc khi VBA làm việc thì lại từ chối hợp tác.
Đơn cử như vụ tranh chấp 100.000 USDT (loại tiền kỹ thuật số) giữa người dùng với sàn Mexc, sàn này đã bắt người dùng ký hợp đồng NDF (hợp đồng kỳ hạn không giao ) và bắt người dùng phải bảo mật thông tin, khiến việc truy vết dòng tiền trở nên bế tắc.
Hay khoản tranh chấp lên tới 800.000 USDT của người dùng với Gate.io cũng gặp khó vì đại diện sàn từ chối hợp tác.
"Chính vì thế việc xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh đối với tiền số và nhà cung cấp dịch vụ tiền số là điều cần thiết"- ông Hùng nhấn mạnh.
Không thể cấm giao dịch tài sản số
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng Thư ký thị trường trái phiếu Việt Nam, tổng dòng tiền tài sản ảo quy ra USD đổ về thị trường Việt Nam lên tới 120 tỉ USD vào năm 2023 và hơn 100 tỉ đồng vào năm 2022.
Điều này cho thấy dòng tiền giao dịch đã hiện hữu và tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới.
Do vậy, việc cấm giao dịch hay cấm các VASP hoạt động là không khả thi. Thay vào đó, cần nhanh chóng ban hành các quy định pháp lý phù hợp với các tiêu chuẩn phòng, chống rửa tiền.
Liên quan tới vấn đề này, một nhà đầu tư ẩn danh tham gia tại hội thảo đã đặt câu hỏi: Tôi phải đóng thuế ra sao từ tiền lời kiếm được đầu tư tài sản số?
Câu hỏi khiến các diễn giả, chuyên gia tại đây bàn bạc và đưa ra nhiều ý kiến bởi nó bộc lộ "lỗ hổng" đối với quản lý tài sản số tại Việt Nam.
Theo ông Phan Đức Trung, việc đóng thuế từ tài sản số nên được thực hiện như việc đóng thuế của người trúng xổ số.
"Đầu tư tiền ảo cũng như mua vé số, tiền trúng là tiền may, nên theo tôi việc đóng thuế cũng tương tự như hình thức này"- ông Trung nói.
Ngược lại, ông Quỳnh cho rằng chưa chắc các Cục thuế cho nhà đầu tư này đóng thuế bởi họ cũng sẽ lúng túng khi thu thuế hình thức này, lý do đơn giản là thiếu khung pháp lý về thuế đối với tài sản ảo.
"Theo tôi, từ các khúc mắc trên, việc xây dựng luật liên quan tới các hình thái tài sản và tổ chức cung cấp dịch vụ cho các giao dịch liên quan tới hình thức tài sản này đều cần thiết. Điều này chỉ thực sự mang lại lợi ích. Ngoài ra, việc hình thành luật cũng giúp đưa Việt Nam ra khỏi danh sách xám (grey list) của Lực lượng đặc nhiệm tài chính toàn cầu (FATF)"- ông Quỳnh nói.
Dẫn ví dụ về quản lý tài sản ảo và VASP, ông Phan Đức Trung cho rằng, chúng ta có thể tham khảo Đạo luật Tài sản mã hóa MiCA của Liên minh châu Âu (sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2024) và Luật Quản lý Tài sản Mã hóa của Hồng Kông.
"Hai đạo luật này nhấn mạnh việc bảo vệ người dùng thông qua cấp phép VASP, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo tính minh bạch, quyền riêng tư, lưu ký tài sản của khách hàng và các tiêu chuẩn hoạt động nghiêm ngặt"- ông Trung nói.
Dù vậy, nhìn vào thực tế của Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực VBA cho rằng, để quản lý tài sản số và VASP, cần có sự kết hợp giữa các kinh nghiệm thực tiễn từ ngành tài chính truyền thống, đặc biệt là các nguyên tắc quản lý rủi ro của ngành tài chính truyền thống với chuyên môn sâu về các công nghệ mới.
Trong đó, các nguyên tắc tuân thủ cơ bản như xác minh danh tính (KYC), kiểm soát doanh nghiệp (KYB), KYI, KYT... trong ngành tài chính truyền thống cũng cần phải được áp dụng đối với lĩnh vực quản lý tài sản ảo. Điều này sẽ đảm bảo quyền lợi khách hàng, sự bền vững của hệ thống và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn đạo đức, tiêu chuẩn dự án và ứng dụng công nghệ RegTech truy vết on-chain có thể góp phần giảm thiểu tối đa tình trạng gian lận, lừa đảo liên quan tài sản ảo.
Chị Lê Hải Quỳnh, một nhà đầu tư tiền số đồng thời là quản lý của một ứng dụng ví điện tử số K., cho rằng nên công nhận tài sản số là quyền tải sản.
Để có được điều này thì rất cần một khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời cần có cơ chế mở cho mô hình sandbox để doanh nghiệp thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới ở Việt Nam.