Kiểm tra 4 ‘ông lớn’ đầu mối và 20 thương nhân phân phối xăng dầu có dấu hiệu vi phạm

(PLO)- Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối xăng dầu có dấu hiệu vi phạm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-7, Bộ Công Thương tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu cho thị trường 6 tháng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối xăng dầu, hiện nay đang trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối, 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

phân phối xăng dầu.jpg
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối xăng dầu. Ảnh: BCT

Với những doanh nghiệp còn lại, theo ông Chinh, cơ bản các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước, sáu tháng đầu năm, sản xuất xăng dầu từ hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đạt 6,87 triệu tấn, tương đương khoảng 8,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.

Nhập khẩu xăng dầu các loại sáu tháng đầu năm đạt 5,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,9 triệu m3 tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Nguyên nhân nhập khẩu xăng dầu tăng do từ tháng 4 nhà máy Lọc dầu Dung Quất tạm dừng sản xuất để bảo dưỡng, các thương nhân tăng nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung.

Như vậy, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu sáu tháng đầu năm đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Trong đó nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.

Trong khi đó, báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện sáu tháng đầu năm đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với cùng kỳ năm 2023.

Lượng tiêu thụ sáu tháng đầu năm khoảng 13,2 triệu m3 tấn, giảm khoảng 0,2 % so với sáu tháng đầu năm 2023. Tồn kho thời điểm 30-6 khoảng 1,85 triệu m3/tấn tương đương cùng kỳ năm 2023. Như vậy, lượng xăng dầu đã đáp ứng được đúng theo nguồn cung được phân giao cũng như nhu cầu sử dụng trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch.

Dự báo nguồn cung xăng dầu trong nước sáu tháng cuối năm, Vụ Thị trường trong nước thông tin, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu theo báo cáo của các thương nhân ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ sáu tháng cuối năm khoảng 13,2 triệu m3/tấn. Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm