Kiểm tra trực tuyến, muôn kiểu để đánh giá học sinh

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên học sinh (HS) tại TP.HCM dự kiến sẽ học trực tuyến đến hết học kỳ 1. Việc tổ chức kiểm tra bằng hình thức trực tuyến đang được các trường triển khai. Bên cạnh việc đảm bảo đường truyền, thách thức mới với các trường là đảm bảo sự khách quan, chống quay cóp.

Lên kế hoạch thực hiện

Thời gian này, giáo viên (GV) bộ môn các trường đang tổ chức cho HS làm bài kiểm tra thường xuyên bằng hình thức online. 

Thầy Thiều Quang Thịnh, GV Trường THPT Long Thới (huyện Nhà Bè), cho biết thầy cho HS làm bài kiểm tra qua Google Forms. Quá trình kiểm tra có gặp đôi chút trục trặc về yếu tố kỹ thuật và đường truyền Internet. 

Do kiểm tra online nên thầy Thịnh xác định không thể quan sát hết quá trình các em làm bài. Vì thế, thầy đã tính đến việc HS có thể mở sách giáo khoa ra xem. “Do đó, việc kiểm tra trực tuyến cần phải có thêm các yếu tố phụ bổ sung như chuyên cần, không vắng học và phát biểu xây dựng bài để đánh giá” - thầy Thịnh nói thêm.

“Hiện Phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đang lấy ý kiến các trường để có sự thống nhất chung trong toàn quận về hình thức kiểm tra, đánh giá thường xuyên, giữa kỳ và cuối kỳ” - thầy Trần Hải Đăng, GV Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), chia sẻ. 

Đối với môn địa lý khối lớp 8, 9 do thầy Đăng dạy, thầy xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá theo sự chỉ đạo của phòng giáo dục và có sự thống nhất trong tổ nhóm bộ môn về kiểm tra, đánh giá thường xuyên. Bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ sẽ được tổ chức thi tập trung theo kế hoạch của nhà trường và phòng giáo dục. 

Thầy Hải Đăng, giáo viên Trường THCS Lý Tự Trọng (quận Gò Vấp), trong một giờ dạy trực tuyến. Ảnh: NVCC

Đánh giá đúng học sinh bằng cách nào?

“Dạy trực tuyến nên việc kiểm tra trực tuyến cũng gây không ít khó khăn cho nhà trường” - ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), thừa nhận.

Ông Tuấn cho biết tránh tình trạng lộ đề do mạng trục trặc, trao đổi khi làm bài, GV phải chuẩn bị nhiều loại đề, cùng mức độ. Bên cạnh đó, trong mỗi bộ đề sẽ có 70% câu hỏi trắc nghiệm, 30% tự luận. Ngoài ra, HS cũng cần phải có những minh chứng để thể hiện quá trình làm bài của mình.

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), cho hay hiện tổ bộ môn đang làm ngân hàng đề để chuẩn bị cho việc kiểm tra giữa kỳ vào đầu tháng 11.

“Khó nhất khi kiểm tra trực tuyến là làm sao để HS không thể quay cóp, trao đổi bài. Trường tính đến phương án yêu cầu các em phải bật camera và bật mic khi làm bài. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc mở mic sẽ gây ồn, trường đang khuyến khích HS tìm không gian yên tĩnh để làm bài. HS sẽ được kiểm tra thử để làm quen với hệ thống. Bên cạnh đó, trường sẽ tập huấn cho GV về quá trình gác thi. Việc kiểm tra trực tuyến sẽ phát sinh nhiều vấn đề, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay vừa làm vừa khắc phục” - bà Dung nói thêm. 

Ông Đặng Đình Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), cho hay trường đang lên kế hoạch kiểm tra giữa học kỳ vào cuối tháng 10 trên hệ thống K12 Online.

Trừ môn văn, các môn còn lại sẽ ra theo hình thức trắc nghiệm hoặc kết hợp trắc nghiệm với tự luận. Những câu tự luận chú trọng đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Còn hệ thống câu hỏi trắc nghiệm đa dạng, gồm nhiều mã đề, có sự xáo trộn. “Mỗi môn sẽ gồm 25 câu, trong thời gian 35 phút, đảm bảo HS không thể trao đổi bài với nhau” - ông Quý nói thêm.

Trường đã gửi cho HS những lưu ý khi làm bài kiểm tra để các em nắm và tuân thủ. Ban giám hiệu đã chỉ đạo GV bộ môn cho các em kiểm tra thử để xem có vấn đề gì phát sinh thì báo với lãnh đạo có hướng khắc phục. 

Tương tự, thầy Đăng cho rằng để tránh việc HS có thể trao đổi đáp án trong lúc làm bài, GV phải chú ý đến ngân hàng đề. “Tránh trường hợp một đề, nhiều lớp cùng làm ở các thời điểm khác nhau. Vì thế ngân hàng câu hỏi phải lớn, phải thực hiện đảo đề, đảo đáp án trong quá trình kiểm tra, mức độ kiến thức trong đề thi thực hiện theo chỉ đạo chung trong tình hình dạy học online” - thầy Đăng bày tỏ.

Thầy Phạm Lê Thanh, giáo viên một trường THPT tại quận 7, bổ sung: Đề thi trắc nghiệm phải theo hướng hiểu mới làm được bài, không kiểm tra kiến thức thuộc lòng. Điều này sẽ phần nào hạn chế việc HS quay cóp và chép bài. Bên cạnh đó, trong suốt quá trình làm bài kiểm tra trên phần mềm, HS không được rời khỏi màn hình và không thực hiện các động tác lạ, không chuyển sang các giao diện khác, camera sẽ giám sát các em khi làm bài. Nếu có bất thường sẽ báo cáo vi phạm.

“Tuy nhiên, theo tôi, điểm chính yếu là người thầy nên đặt niềm tin ở HS, giáo dục HS ý thức tự chủ và tự giác trung thực. Phụ huynh HS phối hợp với thầy cô trong việc giáo dục, nhắc nhở, động viên con cái trung thực khi học tập và làm bài kiểm tra” - thầy Thanh nhấn mạnh.

Việc kiểm tra, đánh giá phải chính xác, công bằng

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến, GV phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập của HS trong quá trình học tập trực tuyến qua các bài kiểm tra trên hệ thống phần mềm, các bản báo cáo quá trình học tập của HS, các bài thu hoạch sau các khóa học của HS…

Việc kiểm tra, đánh giá định kỳ và kiểm tra lại kết quả học tập của HS được thực hiện trực tiếp tại nhà trường theo quy định về kiểm tra, đánh giá định kỳ của Bộ GD&ĐT.

Đối với lớp 1, lớp 2, khai thác các nội dung dạy học trên truyền hình, video clip đã ghi hình. Không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này. Khi HS đi học trở lại phải tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm