Kiện đòi lại tên công ty

Mới đây, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã quyết định hoãn phiên xử giữa ông Nguyễn Thành Vinh (ngụ Cái Bè, Tiền Giang) với Công ty TNHH Vinh Hưng (do ông Võ Thanh Son đại diện theo pháp luật). Lý do: Người kháng cáo không đến tòa.

Bạn bè hợp tác rồi tan

Tháng 5-2013, ông Vinh nộp đơn khởi kiện tại TAND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Công ty Vinh Hưng do ông Son làm chủ tịch hội đồng thành viên trả lại tên Vinh Hưng cho ông. Ông Vinh yêu cầu bị đơn phải thay đổi tên công ty này thành tên khác không được trùng tên Vinh Hưng.

Ông Vinh trình bày trước đây ông kinh doanh mặt hàng trang trí nội thất theo diện hộ gia đình, được cấp giấy phép năm 2004, tên bảng hiệu kinh doanh là Vinh Hưng (đặt cơ sở tại ấp Mỹ Thạnh, xã Mỹ Đức Tây, huyện Cái Bè). Tên Vinh Hưng là ghép giữa tên ông và tên con trai. Năm 2010, ông cùng với ông Son và một người bạn góp vốn thành lập công ty kinh doanh mua bán vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí nội thất. Cả ba thống nhất lập Công ty TNHH Vinh Hưng do ông Son làm chủ tịch hội đồng thành viên, đặt trụ sở tại địa chỉ trên.

Hai năm sau, do bất đồng ý kiến nên ông Son thuê nhà bên cạnh dời công ty và thành lập công ty mới. Còn ông Vinh thì rút vốn khỏi công ty cũ. Ông Vinh đã yêu cầu ông Son không được lấy tên Vinh Hưng đặt tên cho công ty mới của ông Son nhưng ông Son không chấp nhận. Điều này gây sự nhầm lẫn trong quá trình hoạt động kinh doanh của ông.

Còn ông Son thì phản bác. Ông cho rằng đúng là năm 2010 ông bỏ 60% vốn cùng với ông Vinh và người bạn mỗi người góp 20% lập Công ty Vinh Hưng để kinh doanh mặt hàng sơn nước Mykolor. Khi thành lập công ty, cả ba bàn bạc lấy tên thương hiệu khác nhưng ông Vinh không đồng ý và yêu cầu dùng tên Vinh Hưng. Do nhu cầu cần vốn kinh doanh nên ông đã thống nhất theo ý kiến ông Vinh và hoàn tất các thủ tục thành lập công ty.

Đến năm 2012, do bất đồng quan điểm, ông Vinh rút vốn và thành lập công ty TNHH một thành viên tên Vinh Hưng Cái Bè kinh doanh vật liệu xây dựng, trang trí nội thất và sơn nước của thương hiệu khác. Nay với yêu cầu của ông Vinh, ông không đồng ý. Vì hiện nay công ty đã được cấp giấy kinh doanh ổn định trong suốt thời gian qua. Hơn nữa, hiện giờ ông Vinh kinh doanh mặt hàng thương hiệu khác nên không có sự trùng lắp.

Bị bác vì không thỏa thuận ban đầu

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn không đồng ý đổi tên công ty vì lý do tên Vinh Hưng là do ông Vinh “buộc” công ty sử dụng, công ty hoạt động đã lâu, nay có thương hiệu.

Còn ông Vinh thì cho rằng do không còn cổ phần trong công ty bị đơn, không còn làm trong đó nên không muốn gây nhầm lẫn và năm 2012 cũng đã lập công ty riêng. Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận khi thành lập công ty chung năm 2010 không có ghi thỏa thuận cụ thể trong điều lệ công ty là nếu không còn làm thì buộc trả lại tên. Đồng thời ông Vinh cũng khẳng định khi nghỉ có yêu cầu công ty trả lại vốn lẫn tên nhưng công ty chỉ trả vốn, còn tên thì không.

TAND tỉnh Tiền Giang nhận định năm 2004 khi kinh doanh nhỏ lẻ việc ông Vinh để bảng hiệu mua bán Vinh Hưng là do tự ông đặt chứ không được cấp giấy chứng nhận tên thương mại. Đến năm 2010, ông Vinh và hai người bạn thống nhất góp vốn và thành lập Công ty TNHH Vinh Hưng. Việc đặt tên cho công ty được cả ba thống nhất và các bên không có văn bản thỏa thuận nào thể hiện nếu ông Vinh rút vốn khỏi công ty thì phải đổi tên, công ty không lấy tên Vinh Hưng nữa. Trong điều lệ công ty cũng không có thể hiện việc phải đổi tên khi có sự thay đổi thành viên góp vốn.

Mặt khác, khi rút vốn khỏi công ty, ông Vinh có đăng ký kinh doanh và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là Công ty TNHH một thành viên Vinh Hưng Cái Bè. Như vậy, tên Công ty TNHH Vinh Hưng và Công ty TNHH một thành viên Vinh Hưng Cái Bè là hoàn toàn khác nhau, không trùng hoặc tương tự, gây nhầm lẫn với nhau. Hơn nữa, công ty bị đơn được cấp giấy chứng nhận đăng lý kinh doanh trước Công ty TNHH một thành viên Vinh Hưng Cái Bè của ông Vinh. Từ đó, HĐXX đã bác yêu cầu của ông Vinh.

Sau đó ông Vinh kháng cáo nhưng lại không đến dự phiên tòa phúc thẩm, từ đó tòa tuyên hoãn.

Điều kiện chung đối với tên thương mại được bảo hộ

Tên thương mại được bảo hộ nếu có khả năng phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên thương mại đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. 

(Điều 76 Luật Sở hữu trí tuệ)

Khả năng phân biệt của tên thương mại

Tên thương mại được coi là có khả năng phân biệt nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: 1. Chứa thành phần tên riêng, trừ trường hợp đã được biết đến rộng rãi do sử dụng; 2. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại mà người khác đã sử dụng trước trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh; 3. Không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác hoặc với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước ngày tên thương mại đó được sử dụng.

(Điều 78 Luật Sở hữu trí tuệ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới