Kiện đòi nợ từ một chữ viết tắt

Cuối năm 2012, bà Châu Vệ Linh (ngụ huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) kiện đòi bà Huỳnh Ngọc Tuyết 250 triệu đồng vì cho rằng tiền này bà Tuyết mượn của mình. Bà Linh đưa ra căn cứ là biên nhận của ngân hàng thể hiện bà đã chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân của bà Tuyết. Trái lại, bà Tuyết không thừa nhận mà cho rằng số tiền trên là của bà Trần Thị Hồng Tâm trả nợ cho bà nhưng do bà Tâm mượn tiền của bà Linh để trả cho bà nên mới có chuyện bà Tâm đã nhờ bà Linh gửi trực tiếp vào tài khoản cho bà luôn.

Tiện thể nên mới ra cớ sự

Thụ lý vụ này, TAND huyện Đức Trọng xác định bà Tâm là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Bà Tâm trình bày trước kia bà có thiếu nợ bà Tuyết 500 triệu đồng, khi bà Tuyết đòi thì bà đã liên hệ vay của bà Linh 250 triệu đồng để trả, đổi lại bà phải cầm cố cho bà Linh một giấy đỏ. Nhưng để thuận tiện, bà đã nhờ bà Linh chuyển trực tiếp vào tài khoản của bà Tuyết và sau đó đã viết giấy tay nhận nợ. Hiện bà đã trả lãi cho bà Linh được năm lần, có chứng từ, hóa đơn rõ ràng. Do vậy, việc bà Linh kiện đòi tiền bà Tuyết là vô lý vì bà Tuyết không mượn tiền của bà Linh.

Về phần mình, bà Tuyết chỉ thừa nhận số tiền 250 triệu đồng trong tài khoản của mình là do bà Tâm chuyển trả. Còn yêu cầu của bà Linh bà không đồng ý vì không vay mượn gì của nguyên đơn.

Nghe các bên trình bày, bà Linh đã trưng ra tòa một tin nhắn với nội dung: “Tâm ơi. T tên họ là gì vậy? Giờ Linh chuyển 250 triệu luôn nhá”. Theo bà Linh, chữ “T” viết tắt trong tin nhắn trên có ý đề cập đến bà Tâm vì bà muốn hỏi tên họ đầy đủ của bà Tâm. Tuy nhiên, bà Tâm phản đối cho rằng từ viết tắt “T” trong tin nhắn là Tuyết, nội dung là bà Linh hỏi thông tin về bà Tuyết để chuyển tiền chứ không phải bà.

Với các chứng cứ này, tháng 9-2013 TAND huyện Đức Trọng xử sơ thẩm tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Linh, buộc bà Tuyết phải trả 250 triệu đồng tiền gốc và hơn 30 triệu đồng tiền lãi. Sau đó, bà Tuyết kháng cáo toàn bộ bản án vì cho rằng cấp sơ thẩm không khách quan, đánh giá sai bản chất vụ việc.

“T” là Tuyết, không phải Tâm

Mới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng xử phúc thẩm vụ án đã đưa ra các nhận định hoàn toàn khác với cấp sơ thẩm.

Theo tòa này, tin nhắn trên có giá trị là chứng cứ vì thời gian và nội dung phù hợp với cung cấp của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông khi tòa xin trích xuất. Về nội dung, theo tòa, giải thích về chữ “T” viết tắt trong tin nhắn của bà Linh là không đúng và không logic với sự kiện khách quan. Bởi nếu nhắn như vậy thì bà Linh phải chuyển tiền vào tài khoản của bà Tâm (bà Tâm cùng có tài khoản tại ngân hàng giống bà Tuyết) chứ không phải cho bà Tuyết. Trong khi cách giải thích của bà Tâm là phù hợp và đúng với bản chất vụ việc vì phải có thông tin của bà Tuyết thì bà Linh mới chuyển tiền được.

Mặt khác, có chứng cứ thể hiện trước đó có lần bà Tâm vay tiền của bà Linh cũng qua tài khoản. Khi ra ngân hàng chuyển khoản thì bà Linh ghi rõ nội dung: “Linh cho Tâm mượn tiền này”, trong khi biên nhận nộp 250 triệu đồng trên bà Linh chỉ ghi ngắn gọn: “Nộp tiền”. Bút lục khác còn thể hiện sau khi đã chuyển vào tài khoản cho bà Tuyết, bà Linh có nhắn tin đòi bà Tâm tiền lãi của số tiền 250 triệu đồng.

Ngoài ra theo tòa, bà Linh không còn chứng cứ nào khác thể hiện bà Tuyết có xác định là đã mượn tiền của mình sau khi chuyển tiền. Vì thế, tòa cho rằng có căn cứ xác định số tiền bà Linh nộp vào tài khoản của bà Tuyết là tiền do bà Tâm vay của bà Linh để trả nợ cho bà Tuyết. Cấp sơ thẩm đánh giá chứng cứ chưa toàn diện, dẫn đến chưa đánh giá đúng bản chất nội dung vụ án. Từ đó, TAND tỉnh Lâm Đồng sửa án theo hướng chấp nhận kháng cáo của bà Tuyết.

 

Vụ “chuyển nhầm” tiền tương tự

Tháng 10-2013, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên số tiền 2 tỉ đồng mà bà Đinh Thị Toan chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư Xây dựng Đắk Lắk là tiền trả nợ chứ không phải chuyển nhầm như án sơ thẩm nhận định. Nguyên bà Toan là vợ của ông Nguyễn Viết Thanh, Phó Giám đốc công ty. Trước đó, bà chuyển vào tài khoản của công ty 2 tỉ đồng kèm nội dung trong tờ ủy nhiệm chi: “Chuyển tiền nộp ký quỹ cho Nguyễn Viết Thanh”. Nhận được tiền, phía công ty giữ lại để trừ khoản nợ mà ông Thanh đang còn thiếu công ty hơn 4,2 tỉ đồng. Sau đó bà Toan kiện công ty đòi tiền này vì cho rằng mình chuyển nhầm, đúng ra là chuyển cho một người khác vì chuyện làm ăn…

 THANH TÙNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm