Kiến nghị học sinh khuyết tật trí tuệ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT

(PLO)- Sở GD&ĐT TP.HCM kiến nghị đối với học sinh bị khuyết tật về trí tuệ nên được đặc cách xét tốt nghiệp và trả lời của Bộ GD&ĐT là tiếp thu cho các năm tiếp theo, nhưng số lượng ít, đặc biệt thì có thể xem xét.

Sáng 15-6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT tại 63 tỉnh/thành.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay TP.HCM có 85.425 thí sinh dự thi với 156 điểm thi.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị sáng nay. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

TP.HCM đã áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT vào thi lớp 10 vừa qua, đây được coi như là đợt tổng diễn tập cho kỳ thi sắp tới.

Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND TP thành lập ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với 45 thành viên trong đó có lãnh đạo các sở, ngành, quận huyện liên quan đến kỳ thi.

Theo ông Hiếu, các em dự thi tốt nghiệp THPT năm nay là lứa thí sinh bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 nên chịu nhiều thiệt thòi. Do đó, Sở đã chỉ đạo sâu sát việc dạy học để chuẩn bị cho kỳ thi. Trước khi kết thúc năm học, Sở chỉ đạo các trường rà soát nhu cầu học sinh có khó khăn trong việc ôn tập để phối hợp với cha mẹ tổ chức dạy cho đến ngày 17-6.

Sở cũng đã tham mưu UBND TP tổ chức họp Ban chỉ đạo kỳ thi cấp TP có tất cả các quận huyện sở ngành tham gia. Tinh thần của UBND TP.HCM quán triệt cán bộ coi thi phải nắm được quy chế, nắm chắc nhiệm vụ.

Tại hội nghị, TP.HCM có 3 kiến nghị đối với Bộ GD&ĐT.

Vấn đề miễn thi hiện nay theo quy định chỉ dành cho học sinh khuyết tật đặc biệt nặng và khuyết tật nặng. Tuy nhiên đối với các dạng tật khác như nhìn, nghe, vận động, các khuyết tật khác vẫn được đi thi. Nhưng theo Sở GD&ĐT TP.HCM, khuyết tật về trí tuệ dù nhẹ hay nặng rất khó xác định rõ ràng, nên Sở kiến nghị Bộ GD&ĐT xem xét các em khuyết tật trí tuệ dạng tăng động hay khuyết tật thần kinh dạng nhẹ được đặc cách xét tốt nghiệp THPT. Bởi các em chỉ cần bằng tốt nghiệp THPT để tham gia học nghề hoà nhập với cuộc sống. Việc phải tham gia kỳ thi sẽ gây áp lực cho các em.

Bên cạnh đó, Sở cũng kiến nghị thêm về phần mềm chấm thi trắc nghiệm và tự luận để cập nhật tốc độ cũng như truy xuất các thí sinh vắng trong kỳ thi.

Cuối cùng, Bộ GD&DT nên xem xét bổ sung hội đồng in sao đề. Thực tế, Ban in sao đề có số lượng lớn, tại TP.HCM vòng 1 đã có khoảng 60 cán bộ giáo viên. Tuy nhiên cán bộ giáo viên không có kỹ thuật để sử dụng, sửa chữa các máy in lỗi hư hỏng thông thường. Để phục vụ cho kỳ thi, TP phải dự phòng số lượng máy lớn. TP.HCM đang huy động 18 máy in cao tốc trong đó có 6 máy dự phòng. Nếu được Bộ GD&ĐT cho phép có một cán bộ kỹ thuật không phải là công chức, viên chức trong ngành để có thể bảo trì, sửa chữa máy.

Đề cập đến vấn đề này, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) vấn đề đặc cách xét tốt nghiệp THPT, Bộ sẽ tiếp thu do chưa có trường hợp cụ thể. Đề nghị các địa phương tổng hợp, báo cáo để xem xét, có thể năm nay tiếp thu cho các năm tiếp theo.

Liên quan đến máy móc in sao đề thi, ông Chương cho biết cần phải rà soát kỹ để đảm bảo an toàn, cố gắng có một số máy móc dự phòng để tăng cường khi cần, đảm bảo chất lượng đề thi.

Trao đổi thêm về vấn đề đặc cách xét tốt nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết việc miễn thi đối với học sinh có khuyết tật thiểu năng về trí tuệ, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng đã trả lời, quy chế không kịp sửa vì thời gian quá ngắn. Tuy nhiên nếu số lượng ít, đặc biệt thì có thể xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới