Bộ trưởng Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác thi tốt nghiệp tại TP.HCM

(PLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới phải được tổ chức nghiêm túc, chu đáo, đúng quy trình, không sáng tạo trong quá trình thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 13-6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra việc triển khai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM.

Trước khi làm việc với UBND TP.HCM, đoàn đã đi khảo sát thực tế tại 2 điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1); Trung học Thực hành Sài Gòn (quận 5) và một điểm in sao đề.

Làm thi không sáng tạo, bám sát quy chế

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết tổng số thí sinh tham dự kỳ thi là 85.453, trong có 9.985 thí sinh được miễn bài thi môn ngoại ngữ.

Kỳ thi được tổ chức tại 156 điểm thi. Mỗi quận, huyện bố trí từ 1 đến 3 điểm thi. Trong mỗi điểm thi, có từ 1 đến 3 phòng thi dự phòng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 4 từ phải qua) cùng đoàn công tác khảo sát điểm thi tốt nghiệp tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (thứ 4 từ phải qua) cùng đoàn công tác khảo sát điểm thi tốt nghiệp tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP.HCM). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sở GD&ĐT TP huy động 790 người làm lãnh đạo điểm thi, 11.280 người cán bộ coi thi, 2.370 nhân viên phục vụ điểm thi, 474 công an trực, 92 ban in sao đề thi và 204 người vận chuyển và bàn giao đề thi.

Ông Hiếu chia sẻ, TP vừa tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 có quy mô lớn. Các quy chế thi được áp dụng tương tự như kỳ thi tốt nghiệp. Đây là đợt tổng dợt nghiêm túc, giúp TP có kinh nghiệm để chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới.

Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, khu vực in sao đề với 90 người tham gia. Khi in sao từ 3.000 đề trở lên sẽ có quá trình kiểm tra lại để đảm bảo đề được in đạt chất lượng.

Khu vực chấm thi được bố trí tại một ngôi trường lớn, đảm bảo cơ sở vật chất. Mỗi phòng thi sẽ được gắn một camera. Tất cả các camera sẽ được kết nối tại một phòng để đảm bảo cho quá trình theo dõi, kiểm tra khi cần.

Ông Hiếu cho biết, TP.HCM sẽ giao đề sáng sớm và nhận bài vào cuối buổi chiều. “TP.HCM có huyện Cần Giờ phải đi qua phà. Do đó, mỗi sáng, Sở Giao thông Vận tải sẽ ưu tiên những chuyến phà riêng vận chuyển đề thi tại đây” - ông Hiếu nói.

Các điểm thi đều bố trí phòng để vật dụng cho thí sinh cách 25 mét. Tuy nhiên, trước đó, Sở có chỉ đạo các trường nhắc nhở học sinh chỉ mang vào điểm thi những vật dụng cần thiết và được phép.

Đặc biệt, Ban chỉ đạo thi của TP quán triệt chung đến lãnh đạo, cán bộ coi thi không sáng tạo, phải bám sát quy chế. Các chỉ đạo, quy định, quy chế về kỳ thi được in thành quyển sổ nhỏ. Nếu có vấn đề gì chưa rõ, sẽ xem lại để thực hiện cho đúng với quy định.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ 2 trái qua) trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức (thứ 2 trái qua) trao đổi với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (bìa phải). Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Không chủ quan, đúng quy trình

Tham gia đoàn công tác, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đánh giá cao quá trình chuẩn bị của TP.HCM cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Tuy nhiên, ông Chương lưu ýđể chấm thi trắc nghiệm an toàn phải hạn chế thấp nhất số lượng thí sinh phải can thiệp bằng tay để nhập mã đề và chấm bằng tay.

“Hội đồng thi nhắc nhở cán bộ coi thi quán triệt thí sinh tô đúng, tô đủ và hạn chế việc tô nhầm rồi tô lại” - ông Chương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, khu vực in sao đề cần rõ 3 vòng, thậm chí nên có vòng 4. Đặc biệt, cần phải rà soát máy móc để làm sao chất lượng đề đảm bảo tốt, tránh tình trạng như đề thi Toán tại Hà Nội vừa rồi.

Tham gia buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh Tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh công tác tuyên truyền rất quan trọng để mỗi thí sinh, phụ huynh nắm rõ được những vật dụng được phép đưa vào phòng thi.

Trong công tác thi, con người là quan trọng. “Người cũ thường chủ quan, người mới chưa nắm quy chế, năm nay có nhiều điểm mới về quy chế do đó cần phải tập huấn kỹ. Đặc biệt, cán bộ tham gia thi cứ theo quy trình thực hiện, không cần sáng tạo, rõ người rõ việc” - ông Chương nói.

Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sở dĩ chọn TP.HCM tổ chức giám sát do đây là địa bàn lớn, có số lượng điểm thi cũng như thí sinh đông trong cả nước. Qua kiểm tra cho thấy, công tác tổ chức đã được TP thực hiện tốt.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM vào sáng ngày 13-6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.HCM vào sáng ngày 13-6. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

“Đặc biệt, việc áp dụng quy chế thi tốt nghiệp THPT vào kỳ thi lớp 10 vừa rồi là cách làm hay, tạo thuận lợi cho các lực lượng làm quen với công việc. TP đã tích cực, chủ động, chu đáo, chuẩn bị nghiêm túc cho kỳ thi sắp tới”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề. Cán bộ coi thi phải chú ý việc gian lận trong thi cử bằng các thiết bị công nghệ cao. Các điểm thi phải chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở, nhân sự. Đối với học sinh, các em là lứa học sinh chịu nhiều thiệt thòi do phải học online thời gian dài nên trường học phải tận dụng thời gian hỗ trợ.

“Cán bộ các khâu phải thông tháo, học sinh phải nắm vững quy chế, giao thông thông suốt, truyền thông chủ động, đảm bảo tin tức thông tỏ để kỳ thi diễn ra tốt đẹp” - ông Sơn nhắn nhủ.

Chúng tôi xin ghi nhận những đóng góp, lưu ý của Bộ trưởng cũng như các đồng chí trong đoàn về kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới.

TP chủ động dùng kỳ thi lớp 10 làm tập dượt cho kỳ thi tốt nghiệp nhưng sẽ không chủ quan và sắp tới sẽ có tập huấn, kiểm tra để đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách an toàn, nghiêm túc.

Trong quá trình trước, trong và sau kỳ thi, các sở ngành luôn luôn liên lạc thường xuyên để có thể xử lý những sự cố bất thường xảy ra.

(Ông Dương Anh Đức -Phó Chủ tịch UBND TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm