Thực hiện kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam vừa có Báo cáo sơ kết năm năm thi hành BLTTHS 2015 gửi VKSND Tối cao.
Tổ chức này đánh giá BLTTHS 2015 có nhiều điểm mới tiến bộ. Quá trình thực hiện BLTTHS, hoạt động bào chữa trong tố tụng hình sự của LS đã từng bước nâng cao về chất lượng và được mở rộng.
Dù vậy, thực tiễn thi hành các quy định của BLTTHS vẫn còn những tồn tại, hạn chế, vướng mắc và cần sửa đổi.
Kiểm sát viên cần xét hỏi trước
Hiện nay, Điều 307 BLTTHS 2015 quy định thủ tục xét hỏi tại phiên tòa sơ thẩm, phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo trình tự chủ tọa phiên tòa hỏi trước; sau đó chủ tọa phiên tòa sẽ quyết định để thành viên HĐXX, kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự hỏi sau.
Tuy nhiên, Liên đoàn LS Việt Nam cho rằng trình tự này là không hợp lý, không phù hợp với nguyên tắc tranh tụng.
Lý giải cho nhận định trên, Liên đoàn LS Việt Nam cho biết vụ án hình sự phát sinh là do có sự buộc tội của VKS, từ đó sẽ làm phát sinh nhu cầu gỡ tội của bị cáo và vai trò độc lập xét xử của tòa án. Bên cạnh đó, nguyên tắc tranh tụng được Hiến pháp khẳng định cần đến sự phân vai rõ ràng: Bên buộc tội và bên bào chữa với lợi ích tố tụng độc lập, khác nhau và đối lập nhau.
Xem xét lại địa vị pháp lý của người bào chữa
“Xem xét lại về địa vị pháp lý của người bào chữa là chủ thể bình đẳng thực hiện chức năng cơ bản của tố tụng hình sự là chức năng bào chữa nên cần khẳng định người bào chữa là chủ thể tố tụng độc lập, đưa quy định về người bào chữa ra khỏi chương về “người tham gia tố tụng”” - Liên đoàn LS Việt Nam kiến nghị.
Thực tế, trong một số vụ án hình sự HĐXX đã thực hiện thay chức năng buộc tội của VKS, nhiều vụ án kiểm sát viên không cần đặt thêm câu hỏi nào để chứng minh căn cứ buộc tội của mình. Các LS, người bào chữa bị cắt câu hỏi, yêu cầu tạm dừng với lý do cho rằng HĐXX đã nhắc đến trước đó.
Từ đó, Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị sửa đổi quy định trình tự xét hỏi theo hướng kiểm sát viên phải là chủ thể được đặt câu hỏi trước để chứng minh tính có căn cứ của các cáo buộc, sau đó người bào chữa được tìm kiếm thông tin bào chữa, gỡ tội cho bị cáo thông qua các câu hỏi của mình.
HĐXX chỉ hỏi thêm nhằm làm rõ kết quả xét hỏi của bên buộc tội và bên gỡ tội cũng như điều hành phần xét hỏi để bảo đảm tính khách quan và quyền phán định đúng - sai của tòa án.
Bổ sung căn cứ không khởi tố vụ án
Một vấn đề khác, theo Liên đoàn LS Việt Nam, khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 quy định người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, Điều 157 BLTTHS 2015 quy định về các căn cứ không khởi tố vụ án hình sự, không có trường hợp do được miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, thực tế hiện nay trong quá trình thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, nếu người thực hiện hành vi phạm tội có đủ điều kiện để được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 29 BLHS 2015 thì cơ quan tiến hành tố tụng vẫn phải ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành một số hoạt động điều tra, sau đó mới ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can với căn cứ “được miễn trách nhiệm hình sự”.
Quy định như vậy là còn thiếu và chưa hợp lý vì chỉ cần ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự với lý do “thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự” thì sẽ giảm bớt thủ tục, thời gian, kinh phí...; đồng thời sẽ có lợi cho người thực hiện hành vi phạm tội vì trong lý lịch tư pháp của họ sẽ không có án tích.
Do đó, Liên đoàn LS Việt Nam đề nghị bổ sung căn cứ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với “người thực hiện hành vi phạm tội mà có đủ điều kiện được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 29 BLHS 2015”.
Chưa có quy định đặc thù với tội phạm trên mạng
Về vấn đề xử lý tội phạm trên không gian mạng, Liên đoàn LS Việt Nam đánh giá: Với loại tội phạm này thì hiện trường, tài liệu, chứng cứ, dấu vết tội phạm... tồn tại trong các thiết bị kỹ thuật số, máy tính, mạng máy tính. Vì vậy, phải có những quy định đặc thù.
Do đó, cơ quan này kiến nghị bổ sung, làm rõ quy định về khám nghiệm hiện trường kỹ thuật số, điện tử trong BLTTHS 2015; quy định rõ về trường hợp cụ thể bắt buộc trưng cầu giám định đối với dữ liệu điện tử, nhất là trường hợp phương tiện điện tử được dùng để khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử bị đối tượng phạm tội cố tình tác động tiêu hủy hoặc không hợp tác trong tìm kiếm, phục hồi, phát hiện, sao lưu, phân tích dữ liệu điện tử…