Phó Chánh án Thường trực TANDTC Bùi Ngọc Hòa cho hay, những tháng đầu năm, những vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, trọng điểm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Việc áp dụng hình phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo, cải tạo không giam giữ về cơ bản bảo đảm có căn cứ pháp luật. Các tội phạm về tham nhũng được được xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của nhà nước…
10 tháng đầu năm, TANDTC và các TAND cấp tỉnh đã giải quyết hơn 5.012 đơn/ 10.659 đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 754 vụ. Theo ông Hòa, một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ giải quyết các đơn chưa cao do Hiến pháp 2012 được QH thông qua và có hiệu lực thi hành ngay từ 1-1-2014 trong khi đó Luật tổ chức TAND chưa được sửa đổi, bổ sung nên việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thẩm phán TA các cấp, nhất là thẩm phán TANDTC có vướng mắc nhất định.
“TANDTC hiện còn thiếu 50/120 thẩm phán so với chỉ tiêu được Ủy ban TVQH phân bổ do các thẩm phán nghỉ hưu hoặc hết nhiệm kỳ nhưng không thể bổ sung mới hoặc tái bổ nhiệm vì liên quan đến quy định của Hiến pháp mới”- ông Hòa nói.
Tại buổi làm việc, Ban cán sự Đảng TAND TC cũng đề xuất một số kiến nghị. Đáng chú ý, theo Phó chánh án Bùi Ngọc Hòa, “quyền tư pháp” là những quyền sinh ra từ hoạt động xét xử và chỉ có tòa án mới có quyền hạn chế quyền tự do, tước bỏ quyền sống của con người theo pháp luật và tòa án thực hiện quyền tư pháp để bảo vệ công lý; do đó, các hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra, VKS là nhằm phục vụ cho hoạt động xét xử. Chính vì vậy, tòa án phải xem xét các hoạt động tố tụng từ khi bị bắt, giam giữ, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và quá trình điều tra, truy tố. Nếu phát hiện các hoạt động tố tụng trước đó không đúng thì tòa án yêu cầu làm lại hoặc tự mình thực hiện các hoạt động điều tra để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Mặt khác, công lý chỉ được thi hành khi bản án, quyết định của tòa án được nghiêm chỉnh thi hành, cho nên tòa án phải có trách nhiệm đối với việc thi hành các bản án, quyết định đã tuyên và có hiệu lực pháp luật, có quyền kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình thi hành án.
Cạnh đó, tranh tụng tại phiên tòa phải đảm bảo các tình tiết khách quan của vụ án phải được trình bày đầy đủ và thẩm định kỹ lưỡng tại phiên tòa, trong mô hình kết hợp giữa thẩm vấn và tranh tụng, thẩm phán chủ tọa phiên tòa chỉ hỏi những vấn đề mang tính mấu chốt của vụ án, còn chủ yếu thực hiện vai trò là người điều hành tố tụng và trách nhiệm tranh tụng là của kiểm sát viên với luật sư hoặc bị cáo (đối với vụ án hình sự) hoặc giữa luật sư của các bên và các đương sự (trong vụ án dân sự)….
Tại buổi làm việc, Thường trực Ban Bí thư đã yêu cầu, trong thời gian tới, ngành Tòa án cần đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án, khắc phục bằng được việc để các vụ án quá hạn luật định và hạn chế tới mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án, đảm bảo các phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, mang lại công lý cho xã hội. Cạnh đó, ngành tòa án phải kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm; đặc biệt chú ý thực hiện tốt ba nguyên tắc rất quan trọng được Hiến định là: tranh tụng, độc lập xét xử và suy đoán vô tội…