Đó là thông tin được ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cung cấp tại Hội thảo “Giảm tham nhũng trong khu vực hộ kinh doanh tại VN, giải pháp từ cải cách lĩnh vực thuế”.Hội thảo này do VCCI phối hợp với Bộ Phát triển quốc tế, DFID, của Vương quốc Anh tổ chức ngày 11-6.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, hộ kinh doanh cũng là nguồn quan trọng cho việc hình thành các DN. Năm 2014, có tới 70% DN cho biết họ đã từng là hộ kinh doanh. Tuy nhiên, theo số liệu của PCI, các DN đã từng là hộ kinh doanh cho biết họ bị nhũng nhiễu rất nhiều, đặc biệt là nhũng nhiễu bởi ngành thuế.
Theo TS Đặng Hoàng Giang, Trung tâm hỗ trợ cộng đồng nghiên cứu phát triển (CECODES), việc các hộ kinh doanh phải thỏa thuận ngầm với các cán bộ thuế để chịu mức thuế ít hơn đang phổ biến và sẽ là một trong những lý do khiến cho môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng, tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh. Đồng thời, thất thu thuế là điều không thể tránh khỏi.
Bà Đặng Thị Bình An, Chủ tịch HĐTV Công ty tư vấn thuế C&A, cho rằng Hội đồng tư vấn Thuế quốc gia với đủ các thành phần chịu trách nhiệm duyệt và công khai mức thuế, mức thuế này lại công khai ở các phường. Vậy tại sao vẫn thất thoát thuế? Bà An đề nghị cần phải xem xét lại thành phần và cách làm việc của hội đồng.
Bà An còn cung cấp: Có những hộ kinh doanh thu rất lớn (như là nhà hàng, khách sạn...) nhưng lại vẫn tính thuế như những hộ buôn bán nhỏ ở chợ. Điều này đặt ra vấn đề cần phải có cơ chế thu hợp lý đối với tùy đối tượng. Về các cán bộ thuế, bà An kể có cán bộ thuế ở Nghệ An lương 5 triệu đồng/tháng, nhưng chỉ thu được 2 triệu đồng thuế/tháng. Vậy cần phải đặt ra tính hiệu quả của hệ thống thuế.
Ông Bertram Spector, đại diện tổ chức Coffey tại VN thì khuyến nghị, muốn giải quyết được vấn đề tham nhũng trong lĩnh vực thuế đối với các hộ kinh doanh, cần phải đẩy mạnh chính phủ điện tử. Đồng thời, phải tăng cường giám sát nội bộ đối với việc quản lý của ngành thuế.