Theo một tiết lộ mới đây của tờ The Independent, những người tị nạn Bắc Phi không đủ tiền trả cho bọn buôn người thường có kết cục vô cùng bi thảm. Những kẻ buôn người máu lạnh sẵn sàng giết các "khách hàng" của mình và mổ lấy nội tạng để bán trừ tiền. Thông tin này được một kẻ từng làm nghề buôn người tiết lộ với The Independent.
Một người đàn ông Syria được giải cứu khỏi một tàu buôn người bị đắm ngoài khơi đảo Agathonisi, Hy Lạp. Ảnh: The Independent
Kẻ buôn người có tên Nuredein Wehabrebi Atta đã bị tòa kết án 5 năm tù giam vì dính líu đến các hoạt động vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp. Theo lời kể của tên này cho cảnh sát Ý, những người không đỉ tiền trả cho chuyến đi vượt biển Địa Trung Hải thường "bị bán cho các nhóm chuyên mổ lấy nội tạng với giá khoảng 15.000 euro/người, các nhóm này chủ yếu là người Ai Cập".
Lời khai của Nuredein Wehabrebi Atta đã giúp đưa ra ánh sáng cả một mạng lưới buôn người xuyên biên giới. Cảnh sát Ý xác nhận đã bắt giữ được 38 đối tượng tình nghi là thành viên của mạng lưới "ma quỷ" này. Trong đó có 25 người quốc tịch Eritrea, 12 người Ethiopia, và 1 người Ý.
Hai cha con vượt biên bị cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ vào tháng 1-2016. Ảnh: The Independent
Cũng trong lời khai của Atta, những người vượt biên nào không đủ tiền trả cho tổ chức buôn người sẽ bị bán lại cho các tổ chức buôn lậu nội tạng.
Bộ trưởng Bộ nội vụ Ý ông Angelino Alfano cho biết, các cơ quan chức năng đã "giáng một đòn chí tử" vào mạng lưới tội phạm này. Theo ông, những đối tượng này sử dụng thủ đô Rome làm nơi trung chuyển các giao dịch "tiền đen" của mình.
Những người tị nạn được giải cứu và đưa lên cảng Malaga, phía nam Tây Ban Nha vào tháng 1-2016. Ảnh: The Independent
Cảnh sát thành phố Palermo cho biết, đối tượng người Eritrea, bị bắt giữ vào năm 2014, đã đồng ý giúp đỡ các cơ quan chức trách phá đường dây buôn người này. Chính nhờ những lời thú tội của người này, cảnh sát Ý đã lần đầu tiên có được "một bức tranh toàn diện các hoạt động tội phạm: tinh vi của mạng lưới buôn người trải dài từ Bắc Phi đến Ý.
Atta cũng là người nước ngoài đầu tiên tại Ý được cấp cơ chế bảo vệ nhân chứng. Atta trần tình rằng, chính những con số khủng khiếp về số người vượt biên thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải là động lực thúc đẩy thú tội với cảnh sát. "Những cái chết mà chúng ta biết đến chỉ mới là một phần nhỏ của thực tế. Chỉ tính riêng tại Eritrea, cứ 10 gia đình thì có 8 gia đình là nạn nhân của nạn buôn người", Atta cho biết.