Kinh tế thế giới nửa cuối 2024 và các mách nước chính sách

(PLO)- Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng nhẹ nửa cuối năm 2024, đồng thời đưa ra một số mách nước chính sách giúp các chính phủ ổn định kinh tế quốc nội.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tình hình kinh tế thế giới trong thời gian tới được dự báo có tăng trưởng nhưng không quá đột phá, phần lớn nhờ bước đệm giúp một số khu vực kinh tế như khu vực đồng tiền chung euro chuyển biến tích cực. Song song với đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến nghị các chính phủ cần thận trọng trong việc thực hiện các chính sách tiền tệ.

Có khởi sắc

Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới năm 2024 (cập nhật mới nhất) do IMF xuất bản hồi tháng 7, kinh tế thế giới trong nửa đầu năm 2024 khởi sắc trên toàn cầu, xuất khẩu từ châu Á tăng mạnh, nhất là trong lĩnh vực công nghệ. So với dự báo mà IMF công bố hồi tháng 4-2024, kinh tế quý I tại nhiều nước ghi nhận kết quả tăng trưởng lạc quan, trừ Mỹ và Nhật giảm tốc rõ rệt.

Theo IMF, kinh tế Mỹ tăng chậm hơn so với kỳ vọng sau giai đoạn tăng trưởng cao, phản ánh chi tiêu dùng và hoạt động thương mại yếu ớt. Tại Nhật, nền kinh tế bất ngờ tăng trưởng âm trong quý đầu tiên, xuất phát từ tình trạng gián đoạn nguồn cung tạm thời liên quan đến việc đóng cửa một nhà máy ô tô lớn.

Trái lại, tiến triển trong hoạt động dịch vụ đã giúp các nền kinh tế ở châu Âu phục hồi mạnh. Còn tại Trung Quốc, chi tiêu dùng trong nước bật tăng trở lại và xuất khẩu cải thiện đã hỗ trợ kinh tế quý I-2024. Những xu hướng này đã thu hẹp phần nào sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia.

kinh tế thế giới
Mua sắm tại một cửa hàng ở TP San Francisco (bang California, Mỹ) hồi tháng 7. Ảnh: BLOOMBERG

Nhìn chung, các ngân hàng trung ương của các nước lớn được dự báo sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong 6 tháng cuối năm 2024, nhưng tốc độ cắt giảm sẽ khác nhau tùy theo diễn biến lạm phát. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn sẽ duy trì ổn định, ở mức 3,2% vào năm 2024 và tăng nhẹ lên 3,3% vào năm 2025.

Cụ thể từng khu vực, tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế sẽ rơi vào mức 2,6% trong năm 2024 và tụt xuống còn 1,9% trong năm 2025, do thị trường lao động nguội lạnh và sức mua giảm nhẹ.

Tại khu vực đồng tiền chung euro, hoạt động kinh tế bắt đầu rời đáy và tăng trưởng năm 2024 sẽ đạt mức 0,9%. Theo IMF, hoạt động dịch vụ tăng bền vững và xuất khẩu ròng trong nửa đầu năm 2024 tăng cao hơn kỳ vọng đã góp phần thúc đẩy mức tăng trưởng khu vực này dù khiêm tốn. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 ở khu vực này được dự đoán sẽ bứt phá lên 1,5% (tức tăng khoảng 67% so với năm 2024), nhờ vào mức lương thực tế và hoạt động đầu tư tăng cao từ đó kéo sức mua tăng theo.

Bản cập nhật Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất của IMF tăng mức dự báo tăng trưởng kinh tế đối với các nước đang phát triển và mới nổi, điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ. Đối với Trung Quốc, dự báo tăng trưởng đạt mức 5% vào năm 2024, chủ yếu là do tiêu dùng tư nhân phục hồi và xuất khẩu tăng mạnh trong quý I; sau đó giảm tốc xuống mức tăng 4,5% vào năm 2025 do rào cản từ xu hướng già hóa dân số và năng suất tăng chậm. Đối với Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế 2024 được dự báo đạt 7,0%, nhờ tiêu dùng tư nhân cải thiện, đặc biệt là ở các vùng nông thôn.

Nhìn chung, hoạt động thương mại đang trên đà phục hồi và có thể tăng 3,25% trong giai đoạn 2024-2025 (từ tình trạng gần như trì trệ vào năm 2023). Lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục giảm. Ở các nền kinh tế tiên tiến, tốc độ kéo giảm lạm phát sẽ chậm lại vào giai đoạn 2024-2025, song lạm phát cuối cùng sẽ giảm về mức mục tiêu vào cuối năm 2025.

Về tổng thể, rủi ro đối với triển vọng kinh tế vẫn tương đối cân bằng. Hiện đã xuất hiện một số rủi ro ngắn hạn như lạm phát gia tăng và căng thẳng địa chính trị gây áp lực tăng giá hàng hoá, do đó các chính phủ cần thận trọng, chậm rãi thực hiện các chính sách tiền tệ, tránh vội vã.

Mách nước chính sách

Trước các dự báo trên, IMF đưa ra một số mách nước chính sách cho các chính phủ để nhằm mục tiêu chung là “bảo vệ nền kinh tế trong tương lai”.

Theo IMF, khi sự khác biệt về tăng trưởng kinh tế giữa các quốc gia được thu hẹp và lạm phát giảm, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với hai nhiệm vụ: kiên trì khôi phục sự ổn định giá cả và giải quyết hậu quả của các cuộc khủng hoảng gần đây, bao gồm bổ sung nguồn lực vào các lĩnh vực đang suy yếu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trong tương lai gần, điều này sẽ đòi hỏi phải hiệu chỉnh và cân bằng các chính sách kinh tế.

Ở các quốc gia mà rủi ro lạm phát tăng cao (bao gồm những rủi ro phát sinh thông qua các kênh bên ngoài) đang hiện hữu, các ngân hàng trung ương nên kiềm chế không nới lỏng lãi suất quá sớm và vẫn để ngỏ khả năng thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ nếu cần thiết. Khi dữ liệu lạm phát cho dấu hiệu khả quan cho thấy giá cả sẽ ổn định trong dài hạn, thì khi đó việc nới lỏng chính sách tiền tệ nên được tiến hành dần dần.

KINH TẾ THẾ GIỚI.jpg
Tàu container của tập đoàn vận tải biển Dương Minh tại cảng Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: BLOOMBERG

Ở các thị trường mới nổi và đang phát triển, những khác biệt gần đây trong cách tiếp cận chính sách ở các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý rủi ro liên quan đến biến động tiền tệ và dòng vốn. Do các yếu tố cơ bản về kinh tế (như cung-cầu,...) vẫn là yếu tố chính khiến đồng USD tăng giá, nên phản ứng phù hợp là cho phép tỉ giá hối đoái điều chỉnh tự nhiên, đồng thời kết hợp sử dụng chính sách tiền tệ để giữ lạm phát gần mức mục tiêu.

Dự trữ ngoại hối nên được sử dụng một cách thận trọng và tiết kiệm để đề phòng trường hợp đối phó với nguy cơ "dòng tiền ra" (outflows) có khả năng tệ hơn trong tương lai. Trong phạm vi có thể, các chính sách vĩ mô nên tập trung vào giảm thiểu các lỗ hổng từ các khoản nợ nước ngoài lớn.

Bỏ qua những thách thức trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải hành động ngay để khôi phục triển vọng tăng trưởng trung hạn vốn đang trên đà suy giảm, bao gồm thực hiện các chính sách quyết đoán để tăng cường động lực kinh doanh và giảm việc sử dụng tài nguyên không hiệu quả. Ngoài ra, việc tăng nguồn cung lao động, đặc biệt là bằng cách tích hợp tốt hơn nguồn lao động nữ giới và người nhập cư (những nhóm đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khả năng phục hồi kinh tế ở các nền kinh tế tiên tiến) sẽ giúp giảm thiểu các áp lực nhân khẩu học và thúc đẩy tăng trưởng.

Theo IMF, mặc dù tình trạng “xuất ngoại" của những nhiều người trẻ trình độ cao có thể tác động tiêu cực đến đất nước của họ, nhưng có cách quản lý vấn đề này. Các chính sách khai thác sức mạnh của mạng lưới kiều bào, tối ưu hóa lợi ích của kiều hối và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn trong nước là những chiến lược tiềm năng để giải quyết vấn đề này.

Cuối cùng, IMF khuyến khích các chính phủ nên tăng cường hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề chung vốn không thể đơn phương giải quyết được như biến đổi khí hậu,... cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường các cơ chế thương mại đa phương.

FED sắp giảm lãi suất cơ bản

Phát biểu tại hội nghị thường niên của các ngân hàng trung ương diễn ra tại bang Wyoming (Mỹ) hồi tháng 8, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết cơ quan này sắp cắt giảm lãi suất cơ bản, theo hãng tin Reuters.

"Đã đến lúc phải điều chỉnh chính sách. Hướng đi rất rõ ràng, thời gian và tốc độ cắt giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào dữ liệu, triển vọng kinh tế và sự cân bằng rủi ro" - ông Powell nói.

Ông Powell cho biết ông có niềm tin lớn rằng tỉ lệ lạm phát trong nước đang dần quay lại mức 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức 7% trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Theo ông Powell, với lãi suất hiện ở mức 5,25% - 5,5%, FED có “nhiều dư địa” để giảm chi phí đi vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm