Kinh tế TP.HCM 2011 phát triển theo hướng nào?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp đều tỏ ra lạc quan khi bước vào năm mới 2011.

Chuyển đổi chính sách khuyến khích, hỗ trợ

TP.HCM năm 2011, về dịch vụ thì tài chính-ngân hàng có thể tăng trưởng cao nhất, đến 20%. Ngành bán lẻ có thể tăng đến 15%. Dịch vụ viễn thông tuy sôi động nhưng thị trường đã bão hòa, hơn nữa do cạnh tranh nên giá dịch vụ ngày càng giảm. Vì vậy dịch vụ viễn thông khó tăng trưởng như các dịch vụ khác. Riêng dịch vụ du lịch có thể tăng trưởng đột phá so với nhiều năm qua nếu khai thác tốt chương trình du lịch đường sông. Chương trình này đã được khởi động trong năm 2010 và có thể bắt đầu thu hút khách trong năm 2011.

Về lĩnh vực sản xuất, TP vẫn giữ định hướng phát triển bốn ngành mũi nhọn là chế biến lương thực thực phẩm, cơ khí, điện tử tin học và hóa chất. Bốn ngành này vốn được xác định là cần phát triển chủ lực, TP cũng có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho các ngành này. Tuy nhiên, thời gian qua, bốn ngành này vẫn chưa phát triển mạnh là do chính sách khuyến khích không phát huy được trên thực tế. Do đó, viện cũng đang nghiên cứu thay đổi chính sách khác cho thực tế hơn, phù hợp hơn để bốn ngành này có thay đổi mới trong năm 2011.

Kinh tế TP.HCM 2011 phát triển theo hướng nào? ảnh 1

Đông đảo người dân TP.HCM đến trung tâm thành phố đón chào năm mới. (Ảnh chụp trên đường Đồng Khởi). HTD

Ví dụ, lâu nay TP có chính sách ưu tiên bố trí quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng có đất cho doanh nghiệp hay không còn phụ thuộc vào các khu công nghiệp, khu công nghệ. Các khu này cũng là doanh nghiệp nên đâu thể cứ để đất trống chờ doanh nghiệp công nghệ cao, hay cho thuê với giá thấp hơn doanh nghiệp khác. Vì vậy, nếu TP muốn ưu tiên về quỹ đất cho doanh nghiệp công nghệ cao thì phải nghiên cứu chính sách khuyến khích khác.

Một vấn đề ảnh hưởng lớn đến định hướng phát triển kinh tế TP 2011-2020 là quỹ đất của TP đang hẹp dần. Khi quỹ đất hẹp, giá thuê tăng cao thì doanh nghiệp chiếm dụng nhiều đất, sử dụng nhiều lao động sẽ phải cân nhắc giữa chi phí đất và lợi nhuận làm ra. Từ đó, chỉ doanh nghiệp hoạt động các ngành chiếm dụng đất ít, sử dụng ít lao động mà giá trị gia tăng cao mới ở lại TP. Cụ thể, ngành dệt may, da giày lâu nay vẫn tăng trưởng đều. Ngành này tạo ra 7% GDP cho TP nhưng sử sụng đến 47% lao động. Định hướng của TP là phát triển công nghiệp thời trang, sử dụng đất và lao động ít mà giá trị gia tăng cao hơn.

Ông TRẦN VĂN BÍCH, Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển kinh tế
- Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Ưu tiên vốn cho những khoản đầu tư mới hiệu quả

Đại hội Đảng bộ TP.HCM vừa qua đã xác định TP.HCM phát triển trở thành một trung tâm về kinh tế-tài chính của cả nước. Như vậy trong năm 2011, TP phải đẩy mạnh và có các giải pháp phát triển nhanh lành mạnh các thị trường tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Trong đó, ưu tiên giải quyết nguồn vốn trung dài hạn cho các công trình trọng điểm.

Năm 2011 cũng là năm thắt chặt bội chi về ngân sách cho nên TP chỉ ưu tiên giải ngân vốn cho các khoản đầu tư mới có hiệu quả. Còn những công trình lớn quan trọng cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Nên ổn định chính sách điều hành kinh tế

Tôi tin rằng trong năm 2011, sự tăng trưởng của nền kinh tế TP.HCM tiếp tục phát huy. Tuy nhiên, trong năm 2011, kinh tế cả nước nói chung và kinh tế TP.HCM sẽ gặp một số khó khăn như lạm phát có dấu hiệu tăng cao, chi phí đầu vào sản xuất tăng, lãi suất tăng, tỉ giá khó lường... Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng và tỏ ra e ngại trong việc xây dựng chiến lược phát triển.

Vì vậy trong năm 2011, một điều mà doanh nghiệp mong muốn là nên xuyên suốt chính sách điều hành vĩ mô từ trung ương đến địa phương. Chính sách điều hành kinh tế không nên thay đổi, nay lên mai xuống, để doanh nghiệp yên tâm đưa ra chiến lược phát triển của mình. Thời gian qua, một số chính sách như bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ thay đổi công nghệ… được TP làm rất tốt.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội  Doanh nghiệp TP.HCM

Doanh nghiệp phải “tự bơi” khi không còn lễ hội

Năm 2010 được đánh giá là một năm với nhiều cơ hội vàng cho ngành du lịch Việt Nam với những sự kiện lớn như đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội, Festival Huế, lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng… cùng với sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam 2010. Đây là lợi thế không nhỏ mà nhiều công ty đã tận dụng được lợi thế này để kéo được lượng khách lớn về phía mình.

Riêng trong năm 2011, khi không còn các sự kiện lớn như trong năm 2010 nữa, các doanh nghiệp muốn tồn tại thì cần có sự tập trung cao độ, môi trường cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn.

Ông NGUYỄN VIỆT HÙNG, Tổng Giám đốc Du lịch Fiditour

NHÓM PHÓNG VIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm