Sáng 8-3, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức Hội thảo “Giúp nông dân làm nông thông minh”.
Hội thảo nhằm góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang ngày 27-9-2017: “Hậu Giang cần chuyển từ nền nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh, phát triển dịch vụ và các ngành công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ phục vụ nông nghiệp”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu nghe giới thiệu công nghệ làm nông thông minh của Công ty Rynan đang thực hiện ở Trà Vinh.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp trình bày về kinh nghiệm ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 theo mô hình kinh tế xanh, hướng tới làm nông thông minh để có thể làm giàu từ ruộng vườn. Hội thảo cũng nhằm kết nối hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược phát triển trong lĩnh vực này cho Hậu Giang.
Theo ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, từ năm 2019, tỉnh đã thúc đẩy các mô hình làm kinh tế xanh, hướng tới nông nghiệp thông minh, liên kết phát triển theo cơ chế thị trường trên nền tảng logistics. Trong đó ưu tiên đầu tư cho thủy sản, rau quả, lúa gạo, nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản.
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Long Mỹ diện tích 5.200 hecta, với nhiều chính sách hỗ trợ người dân và các nhà đầu tư làm nông nghiệp 4.0, nông nghiệp sạch, xây dựng chuỗi giá trị nông sản cũng đã được tỉnh đầu tư xây dựng.
Quang cảnh hội thảo.
“Nhưng trên thực tế nhiều hộ nông dân vẫn còn lúng túng trong việc tham gia ứng dụng các công nghệ mới trên nền tảng công nghệ 4.0 và cần thêm chính sách phù hợp để sản xuất theo chuỗi, bảo đảm nâng cao giá trị và thu nhập.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng muốn hiểu rõ chính sách thu hút đầu tư của tỉnh để thực hiện các dự án nông nghiệp ở Hậu Giang. Do đó, hội thảo hôm nay là bước đi tiếp theo và cũng nhằm khởi động sự hợp tác của “5 nhà” trong thời làm nông 4.0; đó là nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà báo”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, tỉnh sẽ vận dụng tối đa các chính sách hiện có; ban hành văn bản cụ thể hóa những nội dung này, như với các chính sách mà ngân hàng đang tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các nguồn tín dụng lãi suất ưu đãi, cũng như vấn đề khởi nghiệp, vấn đề liên kết sản xuất.