Thuở Minh Hải chưa chia tách, việc tìm các tài liệu điều tra về sông rạch gần như mù mịt. Thế là từ đó tôi đành phải lang thang men theo các bờ sông hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, bằng đôi mắt trần tục của kẻ hậu sinh hàm hồ luận về những dòng sông già cỗi.
Người đã đến phả hồn vào sông
Vùng phía Nam sông Mekong chạy dài đến mũi Cà Mau xưa được gọi là miệt Hậu Giang. Nếu đồng bằng sông Cửu Long có hệ thống sông ngòi vào bậc nhất nước thì ở miệt Hậu Giang sông rạch chằng chịt nhất vùng châu thổ này. Nói hóm hỉnh, Hậu Giang là “đỉnh của đỉnh”.
Khi Nguyễn Đình Chiểu viết “Bến Nghé cửa Tiền tan bọt nước/Đồng Nai tranh ngói nhuốm màu mây” thì một đợt di dân lớn về miệt Hậu Giang đã diễn ra. Nhà văn Nga K. Xta-nhin Kê-vích đã viết trong quyển hồi ký Vòng quanh thế giới trên tàu Coóc Xun khi ông đến Nam bộ năm 1861: “Khi A-xa-nhin đi thăm sông Đồng Nai anh mới biết nguyên nhân của sự quạnh vắng này là do cuộc chiến tranh mới đây gây ra khắp nơi, những đống đổ nát, những xóm làng bị thiêu hủy. Trong cuộc chiến tranh này người Pháp đã đốt từng làng, từng nhà”. Từ đó dân Sài Gòn-Gia Định và miệt Tiền Giang khoác đời lưu dân, bồng bế nhau lên những chiếc ghe cui, ghe bầu… vượt sông Tiền, sông Hậu tiến vào miệt Hậu Giang. Họ cứ luồn lách theo sông rạch chằng chịt của đồng bằng mà đi miết, ngó nhìn hai bên bờ thấy nơi nào có người thì ghé vào, hoặc các vàm sông nơi có địa thế dễ làm thủy lợi, chống úng, xổ phèn… thì lên bờ khai phá.
Thuở ấy không có mâu thuẫn vật chất giữa kẻ mới và người cũ mà chỉ có lợi ích thôi. Đất đai hằng hà, muốn khai phá bao nhiêu cũng được, người ở càng đông thì càng có lợi, trộm cướp không dám bén mảng, thú rừng ít phá hại mùa màng. Điều đó hình thành tính cách mến khách đặc biệt của người Hậu Giang. Tính cách này thể hiện rất rõ từ đầu thế kỷ 20 trở về trước. Trong nhà nông dân kha khá một chút bao giờ cũng có hai bộ ván ngựa gõ để ở nhà trước dành cho khách ở. Khách đến bất luận thân sơ quen lạ đều được chủ nhà tiếp cơm, rượu ngày ba bữa, chỉ đất hoang cho khai phá, cho mượn trâu cày bừa… Chứa khách trong nhà hai, ba năm mà chẳng nói đến gạo thóc là chuyện bình thường của người Hậu Giang.
Một thuở ghe là nhà, sông nước là đất phì nhiêu
Ngày nay, đi trên quốc lộ 1A nhiều người vẫn ngộ nhận là dân cư sống tập trung theo quốc lộ. Nhưng xét ở tổng thể, người dân vẫn đa số sống bám vào sông. Họ đã phả vào những dòng sông già cỗi và lạnh giá kia một luồng sinh khí ấm áp để mà nuôi dưỡng, hình thành cái hồn sông rạch.
Sống ở ven sông thì việc đầu tiên là cư dân phải dần thích nghi với sông rạch. Ở quê tôi con nít năm tuổi có thể phóng xuống sông lội ùm qua sông rộng 50-70 m. Đại bộ phận dân cư đều có chiếc xuồng, đó là phương tiện đi lại chủ yếu của họ. Lại có một bộ phận dân cư không cần sống trên đất liền, vợ chồng con cái sống trên ghe, khoác kiếp giang hồ rày đây mai đó. Họ làm ăn trên ghe, cưới vợ, gả chồng, ma chay, đình đám… đều trên ghe. Ghe là nhà, sông nước là mảnh đất phì nhiêu của họ. Không có ở đâu lạ lùng như sông nước miền Tây với hiện tượng chợ nổi trên sông, chợ cũng nhóm họp có phiên, cũng mua bán ỳ xèo và hàng hóa thì vô cùng phong phú.
Sông nước phương Nam vốn có trữ lượng tôm cá vào bậc nhất nước. Một đục đáy sông có thể đổ ra đầy một xuồng ba lá cá kèo. Xin kể một cách ăn cá kèo của các chủ trại đáy Bạc Liêu hầu bạn đọc: Họ lấy đũa gắp ngang đầu con cá kèo bằng ngón tay cái rồi bỏ tuốt vào miệng, sau đó “vuốt” một cái… trên đũa họ chỉ còn cái đầu cá và bộ xương. Và họ giải thích: Khúc đuôi và khúc bụng cá kèo có vị ngon khác nhau, mỗi người thích một thứ. Khách đến nhà biết tánh ý đâu mà lựa, thôi thì cứ “đẩy” nguyên con vừa đẹp lòng nhau vừa “đã” miệng, vừa xứng với “tầm vóc” xứ cá kèo. Chính sự giàu có của sông rạch đã làm nảy sinh những địa danh lạ lùng như Xóm Chài, Xóm Đáy, Xóm Câu, Xóm Lưới… Ở đó cư dân triển khai một đời sống vô cùng phong phú trên sông nước.
Và những dòng sông đang cạn kiệt dần
Người ta mê Cần Thơ không chỉ vì có gạo dẻo thơm mà còn có nước sông Hậu uống vào ngọt lành, hễ con gái tắm thì da trắng như bông bưởi. Thế nhưng ngày nay chẳng ai dám uống nước các dòng sông miệt Hậu Giang nữa rồi. Cư dân ở đó đang tự hủy hoại dòng sông của mình. Chính các dòng sông đã góp phần nuôi nấng nhiều thế hệ, vậy mà có kẻ lại mang bao nhiêu xú uế thải xuống dòng sông.
Tại trung tâm kinh tế xã hội của hai tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, hệ thống cống rãnh mang theo nước thải của bệnh viện, của chợ, của khu dân cư… chưa thông qua xử lý đã đổ thẳng ra sông Bạc Liêu, Cà Mau. Môi trường nước ô uế nặng nề và dĩ nhiên nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Chưa hết, việc đánh bắt cá tôm ngày nay xem chừng rất “đoản hậu”. Vài ba trăm năm trước, những cư dân đầu tiên đã sáng tạo nhiều loại công cụ đánh bắt tôm cá thì ngày nay lớp “hậu sinh khả úy” chẳng những giữ nguyên mà còn sáng tạo thêm nhiều công cụ, kiểu cách sát hại tôm cá hàng loạt và tinh vi hơn. Có thể kể một lô lốc các nghề đánh bắt trên sông rạch như sau: đăng, đó, lợp, lờ, lú, chà, chài, lưới, vó, câu, nò… Công cụ cũ được áp dụng cho một mật độ tôm cá cũ, một môi trường sinh thái cũ thì không có gì đáng nói. Bởi ngày xưa đó tôm cá hằng hà, ai muốn bắt bao nhiêu cũng được. Cái đáng bàn là tôm cá ngày càng ít đi nhưng số lượng công cụ đánh bắt càng nhiều. Số liệu của tỉnh Minh Hải (cũ) năm 1996 thể hiện: 4.000 miếng đáy, 50.000 cơ sở đó, nò, lú, 500 phương tiện làm nghề chài, 12.000 m đăng mành xanh… đang ra sức bao vây, chặn bắt cá tôm trên 11.000 km sông rạch của hai tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu. Đến nay, số lượng phương tiện đánh bắt tôm cá và phương cách đánh bắt vẫn phát triển và biến thiên khôn lường. Những năm gần đây đã xuất hiện một cách đánh bắt ác nghiệt là xuyệt điện khiến cho tôm cá lớn chết sạch và hủy diệt luôn cá tôm con, thế hệ kế tiếp để duy trì nòi giống của chúng.
Sông chan chứa bao nhiêu cũng không thể đọ nổi với lòng tham của con người. Sông bây giờ đã trở về sự lạnh lẽo cố hữu của nó, bởi chẳng còn ai sưởi ấm hồn sông. Những lần đứng trên bến sông quê như thế, tôi hay lẩm bẩm bốn câu thơ của Hoài Khanh:
Rồi em lại ra đi như đã đến
Dòng sông kia cứ vẫn chảy xa mù
Ta ngồi lại bên cầu thương dĩ vãng
Nghe giữa hồn cây cỏ mọc hoang vu
Vâng! Lòng tôi cũng đang hoang vu.
Bạc Liêu, Cà Mau có bảy con sông tự nhiên, trong đó phải kể đến sông Cửu Long rộng đến 600 m và sâu đến 12 m. Bắt đầu từ bảy cửa biển tương đối lớn (và các cửa nhỏ) chúng ta đi dần về hạ nguồn thì sẽ thấy bàn tay khéo léo của tạo hóa. Trên đôi bờ các dòng sông là nhiều nhánh rạch và trên đôi bờ các nhánh rạch là dày đặc mương, lạch… lan tỏa, ăn sâu vào ruộng đất như một trận đồ bát quái. Tuy thế, với mục đích giao thông, tiêu thoát nước và nhằm tạo điều kiện cho việc vơ vét của cải xứ An Nam, người Pháp từ thế kỷ thứ 19 cho đến giữa thế kỷ 20 đã cho đào thêm rất nhiều kênh lớn nhỏ. Những người già kể rằng: Thuở ấy mông muội, dân ta chưa hiểu khoa học kỹ thuật, nghe tiếng cơ giới (tàu cuốc, tàu xáng) rít ầm à thì sợ lắm, bảo rằng “xáng la” đòi ăn thịt con nít. Ngoài việc sử dụng cơ giới, người Pháp còn bắt dân ta làm xâu, đào kênh, đắp lộ. Có lúc họ huy động hàng chục ngàn người để đào kênh xáng và đắp lộ Bạc Liêu-Cà Mau vào năm 1903. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng ta đã đào một hệ thống kênh mương để tiêu úng, xổ phèn, làm thủy lợi nội đồng rất lớn. Có một ước tính cho rằng chiều dài của sông rạch Bạc Liêu, Cà Mau lên đến hơn 11 ngàn cây số, tức gấp ba lần chiều dài đất nước Việt Nam. |