Chi phí logistics là điểm 'nghẽn' của nông sản Việt Nam

Ngày 28-4, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021. Đây là Hội nghị toàn quốc đầu tiên tập trung chuyên sâu vào một trong những động lực và dư địa then chốt của tái cơ cấu nông nghiệp.

Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, những năm qua sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung, vùng ĐBSCL nới riêng có sự phát triển vượt bậc. Nhiều ngành hàng như lúa gạo, thủy sản, cà phê... đã nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về giá trị xuất khẩu.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy công tác chế biến và phát triển thị trường nông sản năm 2021. Ảnh: BT

Tuy nhiên, có thực tế là hiện tiềm năng của ngành nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả, việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân còn nhiều khó khăn. Công nghiệp chế biến, chế biến sâu, công nghiệp bảo quản nhiều ngành hàng chưa được quan tâm và phát triển.

“Nhiều ngành hàng nông sản chúng ta sử dụng chế biến tỉ lệ chưa cao, giá trị gia tăng của sản phẩm chế biến còn thấp nên lãng phí nhiều tiềm năng của ngành hàng. Trong một thời gian dài, chúng ta chưa quan tâm nhiều đến công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu của nông sản nên chưa tạo sức cạnh tranh hiệu quả trên thị trường” – Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định.

Phân tích tại Hội nghị, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, điểm nghẽn của ngành nông nghiệp hiện nay là vấn đề logistics. Cụ thể, chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản trung bình chiếm tỉ lệ khoảng 20-25%, đây là mức khá cao so với các nước trong khu vực. Cạnh đó, kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp vẫn còn còn nhiều bất cập.

Qua thống kê, dịch vụ logistics hiện chỉ phát triển ở những TP lớn, nơi được xem là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước là vùng ĐBSCL thì dịch vụ này lại chậm phát triển.

Có một nghịch lý đang tồn tại ở ĐBSCL là nơi đây có hệ thống sông dài 28.000km, trong đó khoảng 23.000km có khả năng khai thác vận tải. Thế nhưng, 70% lượng hàng hoá xuất khẩu mỗi năm đều phải chuyển về TP.HCM hoặc cảng Cái Mép bằng đường bộ khiến giá thành sản phẩm bị đội lên, mất thời gian.

Từ thực tế đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản đưa ra giải pháp là phải thiết lập các Trung tâm logistics nông đặt ở cả ba khu vực. Cụ thể, tại vùng nuôi trồng trọng điểm, mỗi địa phương hoặc vùng kinh tế có nông nghiệp phát triển cần có trung tâm logistics nông nghiệp.

Tại vùng tiêu thụ nội địa, như các trung tâm lớn và các khu vực du lịch phát triển, TP đông dân cư cũng cần có các trung tâm logistics để cung ứng nông sản cho đô thị. Và tại các trung tâm xuất nhập khẩu, các khu vực cảng cửa ngõ quốc gia là những nơi nên đặt trung tâm xuất nhập khẩu nông sản, làm đầu mối giao thương.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BT

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh chế biến và thị trường là những khâu rất quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất đến bàn ăn của người tiêu dùng. Chế biến tạo giá trị gia tăng trong khi lợi nhuận của cả chuỗi thì phần lớn trong khâu kinh doanh thị trường của nông sản. Vì vậy, có thể nói vai trò quyết định trong kinh tế nông nghiệp nằm tại hai khâu này của nông sản.

“Chúng ta cũng luôn cần chia sẻ những xu hướng thị trường nông sản thế giới để từ đó xây dựng một nền sản xuất nông nghiệp đạt chuẩn. Chúng ta cũng cần quan tâm các vấn đề liên quan đến xây dựng, bảo hộ thương hiệu và hỗ trợ xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mở cửa thị trường nông sản để tạo tín hiệu dẫn dắt, xung lực mới nhằm hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thực thi và sự liên kết trong thị trường” – ông Lê Minh Hoan cho biết thêm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Hội nghị toàn quốc về công tác chế biến và thị trường nông sản cần được tổ chức định kỳ hằng năm và luân phiên tại các địa phương. Từ đó, góp phần thúc đẩy công tác chế biến, bảo quản và thị trường nông sản của từng vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm, các địa phương trong cả nước.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.