'80% thị phần logistics của công ty ngoại là chưa chính xác'

Ngày 1-4, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức hội nghị liên quan tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và các đề án vừa được UBND TP.HCM phê duyệt. Về đề án phát triển logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương), cho biết tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP TP.HCM năm 2018 ước đạt 8,3%, năm 2019 ước đạt xấp xỉ 8,7%.

Chia sẻ về thực trạng các DN cung cấp dịch vụ logistics tại TP.HCM, ông Sơn cho biết: theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam và số liệu báo chí đưa tin “80% thị phần logistics nằm trong tay của các DN nước ngoài" chưa toàn diện, cần đánh giá lại vì họ chủ yếu làm vận tải đường biển trong khi hiện nay 90% thị phần khai thác cảng biển thuộc về DN Việt Nam.

Về vận tải đường bộ và khai báo hải quan thì gần như 100% thuộc về các DN logistics Việt Nam. Về cung cấp kho, dịch vụ kho hiện nay thị phần vẫn nằm trong tay các DN dịch vụ logistics Việt Nam; rất ít DN nước ngoài sở hữu kho trên lãnh thổ Việt Nam, chủ yếu thuê lại kho từ DN Việt Nam…

Đến năm 2025 TP.HCM muốn kéo chi phí logistics cả nước giảm 10-15% so với GDP  quốc gia. Ảnh: Internet.

Về chi phí logistics, theo đánh giá của World Bank, tỷ lệ chi phí logistics so với GDP vào khoảng 20,9% (năm 2014). Còn theo số liệu của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam, năm 2018 chi phí logistics của Việt Nam vào khoảng 18% so với GDP.

Trong đó các thành phần chi phí chính gồm chiếm đến 60% là chi phí vận tải, 21% là khoản chi phí cho hoạt động xếp dỡ, 12% là phần chi phí kho bãi.

Vận tải đường bộ là loại hình vận tải chiếm tới 77,11% thị phần vận tải chung. Sự mất cân đối giữa hai chiều đi - về làm cho vận tải đường bộ được đánh giá là loại hình có mức lãng phí lớn nhất.

Ngoài ra, phụ phí tại cảng biển mà chủ mà chủ tàu container nước ngoài đang thu từ chủ hàng Việt Nam cũng là một con số khá cao.

Theo bảng tổng hợp kết quả khảo sát về thực trạng chi phí logistics của một số ngành hàng tại TP.HCM cho thấy ngành thuỷ hải sản có chi phí logistics khá cao chiếm từ 25- 30% của tổng chi phí của DN. 

Đánh giá chung cho thấy hiện nay chi phí logistics đã giảm đáng kể so với năm 2014 nhưng vẫn còn ở mức mà DN chủ hàng phàn nàn. Nguyên nhân chính một phần vì hàng hoá Việt Nam có giá trị không cao như hàng hóa của các nước phát triển.

Mặt khác do chi phí vận tải còn bất hợp lý như sử dụng đường bộ là chính, cước tàu biển quốc tế do các hãng tàu nước ngoài quyết định nên rất khó thương lượng. Thêm nữa còn do tình trạng kẹt xe, giá xăng dầu, lệ phí cầu đường cùng với các chi phí không chính thức.

Đề án phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hướng vào nâng cao chất lượng, tiếp tục mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ logistics dựa trên lợi thế về nguồn nhân lực.

Phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn đến năm 2025 đóng góp 10% vào GRDP TP.HCM và năm 2030 đạt 12%, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia đến năm 2025 khoảng 10- 15%. 

Đề án Phát triển TMĐT trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cho biết xu hướng phát triển của TMĐT trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025 - 2030 là sử dụng các công nghệ hiện đại để đáp ứng nhu cầu mua sắm cá biệt của từng cá nhân thông qua các thiết bị di động.

Giao dịch TMĐT trên mạng xã hội giữa các cá nhân sẽ phổ biến hơn và TMĐT xuyên biên giới sẽ có những bước phát triển đột phá…

Giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển thương mại di động và mở rộng quy mô giao dịch TMĐT trong thị trường nội địa. Giai đoạn 2026 - 2030 thành phố tập trung nguồn lực hỗ trợ DN TMĐT Việt Nam có trụ sở trên địa bà) mở rộng quy mô kinh doanh ra thị trường quốc tế. 

  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm