Doanh nhân Việt ồ ạt mở mô hình kinh doanh độc, lạ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bằng cách phát triển các mảng kinh doanh mới lạ và độc đáo bên cạnh trụ cột kinh doanh chính, nhiều doanh nghiệp tìm kiếm các cơ hội mới để mở rộng quy mô, tăng trưởng.

Thịt heo ăn chuối ra thị trường

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vừa tung ra thị trường sản phẩm heo ăn chuối. Đáng chú ý, chỉ bán thăm dò thị trường sản phẩm độc, lạ này trong một ngày (11-3) tại TP.HCM, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) nhận lại kết quả không ngờ khi hơn 100 con heo ăn chuối bán hết vèo sau 2 tiếng.

Bầu Đức tự tin về mảng kinh doanh mới nuôi heo hoàn toàn bằng chuối của mình. Ông tiết lộ lĩnh vực heo ăn chuối sẽ trở thành trụ cột kiếm tiền cho công ty, vì nhờ chuối nhà trồng được, tiết kiệm nhiều chi phí, gia tăng hiệu quả kinh doanh. Hiện diện tích trồng chuối của Hoàng Anh Gia Lai đã lên đến hơn 5.000 ha. Công ty cũng đã xây dựng được bảy cụm chuồng chăn nuôi heo với công suất nuôi 400.000 con heo thịt mỗi năm.

Doanh nhân Việt Nam giỏi xoay xở ngay trong bối cảnh khó khăn. Trong ảnh: Bầu Đức tự tin thành công với mô hình nuôi heo ăn toàn chuối. Ảnh: PM

Tài sản tăng lên bất chấp dịch

Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua chịu những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 nhưng nhiều công ty vẫn có những bước đi đột phá, táo bạo giúp tài sản tăng lên.

Ví dụ, hồi tháng 4-2021, tạp chí Forbes công bố Việt Nam có sáu cái tên nằm trong danh sách tỉ phú thế giới với tổng tài sản khoảng 16,7 tỉ USD. Đến ngày 25-12 cùng năm, tổng tài sản của các ông lớn này tăng mạnh lên đến 19,5 tỉ USD. 

“Chất lượng heo ăn chuối của chúng tôi đảm bảo tiêu chí ba không: Không thuốc kháng sinh, không thuốc tăng trọng, không đạm động vật” - bầu Đức khẳng định.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Công ty chứng khoán SSI, nhận xét heo ăn chuối cũng không quá xa lạ với nông dân Việt Nam vì các phụ phẩm của cây chuối thường được dùng độn trong quá trình nuôi heo. Nhưng nuôi heo với quy mô lớn, nhấn mạnh vào tính an toàn, sản phẩm hoàn toàn hữu cơ là một câu chuyện kinh doanh đầy hấp dẫn.

Đại gia vàng mở tiệm cầm đồ hạng sang

Ông trùm bán lẻ hàng đầu Việt Nam Thế Giới Di Động gây bất ngờ cho thị trường khi nhảy vào kinh doanh mảng thời trang, trang sức, xe đạp… với mục tiêu hướng đến doanh số 10 tỉ USD. Ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc Thế Giới Di Động, cho biết bên cạnh bán các sản phẩm từ các thương hiệu lớn, đơn vị này còn triển khai thương hiệu thời trang riêng của công ty từ quần áo, giày dép, túi xách cho đến trang sức.

“Chúng tôi có bộ phận thiết kế riêng cho phù hợp với phong cách và kiểu dáng của người Việt Nam. Các sản phẩm này được thực hiện theo phương thức OEM, nghĩa là kết hợp với các công ty sản xuất theo thiết kế và quy chuẩn do chúng tôi đưa ra. Mục tiêu của chúng tôi tạo ra một thương hiệu không thua kém Zara hay Uniqlo” - ông Hiểu Em tự tin.

Một ông lớn trên thị trường trang sức là PNJ lại tham gia vào mảng cầm đồ. Cụ thể, PNJ tuyên bố sẽ nhận cầm những trang sức quý như vàng, kim cương và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot, Patek Philippe…

Thú vị hơn, ông lớn bất động sản FLC nhảy vào mảng kinh doanh vàng và trang sức. Bà Đặng Lưu Vân, Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý FJC, giải thích đây là mảng kinh doanh để bổ trợ cho các lĩnh vực bất động sản, hàng không, du lịch, nghỉ dưỡng của tập đoàn.

Không dễ hái ra tiền

Công ty chứng khoán BIDV cho rằng các doanh nghiệp có quy mô lớn và tiềm lực tài chính sẽ có nhiều lợi thế trong việc kinh doanh thời trang, vàng, trang sức... Đây cũng là những ngành hàng có triển vọng kinh doanh lạc quan vì thu nhập của người dân đang hồi phục cùng với tầng lớp trung lưu tăng lên trong dài hạn. Nhưng để thành công phụ thuộc rất nhiều yếu tố và không hề đơn giản.

Tổng giám đốc Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em thừa nhận việc lấn sân vào thời trang là lĩnh vực khó vì mức độ cạnh tranh khá gay gắt và cũng như không dễ đáp ứng được nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhưng tập đoàn kỳ vọng sẽ thành công do hưởng lợi từ thương hiệu cũng như tận dụng lượng khách hàng sẵn có từ các chuỗi điện máy, điện thoại, bách hóa xanh.

“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rằng việc lấn sân nhiều mảng kinh doanh cũng mang đến độ rủi ro cao nếu như doanh thu không đáp ứng kỳ vọng. Ví dụ, chúng tôi đã mở nhiều mảng kinh doanh như thương mại điện tử, cửa hàng điện thoại siêu rẻ nhưng không đem lại thành công. Do đó, để đối phó với rủi ro, chúng tôi liên tục điều chỉnh chiến lược kinh doanh, mảng nào không tốt sẽ từ bỏ để không mất tiền” - ông Hiểu Em chia sẻ.

Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá các mô hình kinh doanh mới, độc đáo và lạ đều chứa đựng các yếu tố rủi ro nếu đặt các giả định dựa trên dự báo thị trường không đúng kỳ vọng. Chẳng hạn, khách hàng không phản hồi tích cực với sản phẩm và dịch vụ. Khi gia nhập thị trường, không tính đến yếu tố đối thủ cạnh tranh sẽ phản đòn bằng cách hạ giá sản phẩm, khuyến mãi liên tục để giành lại khách hàng. Điều này buộc các công ty phải theo cuộc chơi đại hạ giá khiến không còn biên lợi nhuận.

Mặt khác, kết quả kinh doanh còn do môi trường kinh tế chuyển biến tiêu cực một cách bất ngờ và nhanh chóng. Ví dụ, tình hình giá cả tăng mạnh hiện nay khiến khách hàng trở nên thận trọng hơn nhiều trong việc tiêu tiền, trì hoãn việc mua hàng cho đến khi lòng tin của họ vào nền kinh tế được cải thiện.

“Để đối phó với những điều kiện kinh tế không thuận lợi, các công ty đôi khi phải thực hiện những thay đổi đáng kể đối với mô hình kinh doanh của mình. Thay vì nhấn mạnh việc bán sản phẩm mới, họ có thể mở rộng phân khúc sản phẩm và dịch vụ của mình theo hướng đem lại trải nghiệm tối ưu lẫn sự hài lòng nhất cho khách hàng” - ông Phương gợi ý.

Có thể tạo ra thị trường hoàn toàn mới

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhìn nhận việc khởi động mô hình kinh doanh mới độc đáo và lạ nhằm tạo ra giá trị bổ sung cho khách hàng. Trong đó bao gồm tạo ra các điểm bán hàng độc đáo, hiệu quả với các tính năng khác biệt.

Hiện trong nhiều ngành, các công ty đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều sản phẩm ít có tiềm năng đổi mới nên mô hình kinh doanh mới là cách mở rộng phạm vi tiếp cận nhiều khách hàng hơn, cũng như tạo ra đòn bẩy để tăng thêm dòng tiền, doanh thu và lợi nhuận.

“Chưa kể các mô hình kinh doanh mới độc và lạ có thể đem lại sự khác biệt thực sự cũng như lợi thế cạnh tranh, qua đó giúp công ty tạo ra những thị trường hoàn toàn mới. Nhưng để thực sự hiệu quả không hề đơn giản” - ông Hải nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm