Trước khi diễn ra hội nghị “Thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt Nam” chiều 16-5, Ban Tổ chức đã có một buổi chia sẻ với báo chí về những định hướng căn bản cho du lịch tại thời điểm này.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch, nhận định: “100 ngày qua là những ngày khó khăn nhất của những người làm hàng không, du lịch bởi đại dịch COVID-19 đã gây ra những khó khăn”.
Tuy vậy, theo ông Kiên, việc Việt Nam bước đầu kiểm soát dịch thành công đã tạo ra một cơ hội riêng cho ngành du lịch Việt Nam, mà việc đầu tiên là kích cầu du lịch nội địa.
Ngày 9-5 vừa qua, Thủ tướng khi họp với cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc đã đề cập đến mục tiêu tăng trưởng phải đạt trên 5% năm 2020. Du lịch được coi là một động lực quan trọng để đạt được mục tiêu này.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch
Để kích cầu du lịch nội địa, Bộ VH-TT&DL đã triển khai chỉ đạo của Thủ tướng bằng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Theo ông Kiên, sau thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19 vừa qua, người Việt Nam đã bắt đầu có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn. Thực tế cho đến nay, người Việt Nam đã tự tin đi ra khỏi nhà để du lịch các nơi. Hàng triệu người đi du lịch nội địa dịp 30-4 và 1-5 vừa qua đã cho thấy điều đó.
Theo ông Kiên, đi du lịch là một hoạt động tạo ra cảm giác tự do, nhất là sau khi giãn cách xã hội vì COVID-19 vừa qua.
Để đón đầu xu hướng ấy, ông Kiên cho rằng cần phải có nhiều sự kiện quảng bá du lịch, quảng bá vẻ đẹp Việt Nam, giá trị du lịch Việt Nam nhiều hơn. Khi đi du lịch cũng chính là kích thích tăng trưởng kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 4,9 triệu lao động trong khu vực này và cũng là cách “thể hiện lòng yêu nước”.
Lần này, ngành du lịch mong muốn kích cầu du lịch nội địa với mục đích tăng giá trị các gói kích cầu để du khách được hưởng nhiều tiện ích hơn khi đi du lịch.
Pháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi về bản chất của việc kích cầu khi ngành du lịch không giảm giá nhưng lại tăng các khuyến mãi vào các gói du lịch. Mặt khác, vì dịch COVID-19, thu nhập của người dân đều giảm, thậm chí thu ngân sách cũng giảm. Vậy mục tiêu kích cầu du lịch liệu có khả thi?
Quang cảnh họp báo về hội nghị "thời điểm vàng khám phá vẻ đẹp Việt Nam"
Ông Trần Trọng Kiên nói: “Theo kinh nghiệm của những người làm du lịch thì kích cầu bền vững là phải tập trung vào giá trị do du lịch mang lại cho du khách. Một gói du lịch có thể không giảm giá nhưng được cộng thêm các dịch vụ tiện ích khác. Chẳng hạn trước đây một gói du lịch “hai ngày một đêm” thì bây giờ kích cầu có thể cộng thêm một đêm nghỉ dưỡng nữa.”
Trả lời về việc ngành du lịch có chuẩn bị giải pháp cho các kịch bản khác ngoài việc COVID-19 đang được kiểm soát tốt hay không, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết ngành du lịch đã chuẩn bị các kịch bản khác nhau để lên kế hoạch ứng phó. Thậm chí, ngành này cũng đã tính đến cả việc doanh thu ngành du lịch sẽ như thế nào tùy vào thời điểm mà dịch COVID-19 chấm dứt.
Các doanh nghiệp đã có các kịch bản khác nhau vì xác định rằng mọi vấn đề đều có thể xảy ra, thậm chí là phải xác định sống chung với dịch.
Việc có tiếp tục duy trì các gói kích cầu du lịch nội địa sau khi COVID-19 chấm dứt hay không theo ông Kiên còn phụ thuộc vào cung - cầu. “Trong năm 2020 chúng tôi dùng nhiều gói kích cầu du lịch nhưng hiệu lực của gói kích cầu còn tùy tình hình dịch bệnh hoặc sẽ do thị trường quyết định” - ông nói.