Dùng thông tin giả để bán hàng trên mạng khá phổ biến

Ngày 19-1, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Năm 2020 Cục QLTT TP.HCM đã xử lí 2.735 vụ vi phạm, giảm 1.954 vụ so với năm 2019. Số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước hơn 58 tỷ đồng, giảm 48,32% so với năm 2019.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM cho biết, buôn lậu gian lận thương mại, đặc biệt là kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu không rõ nguồn gốc, xuất xứ diễn biến phức tạp.

Trong đấu tranh chống hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đối tượng sản xuất nhập lậu, hàng giả lợi dụng công nghệ để sản xuất hàng giả cao cấp nên rất khó phân biệt.

Mặt khác, đối tượng tiến hành giao dịch mua bán trên thương mại điện tử (TMĐT), website tự lập, zalo, facebook, youtube...nhưng đăng kí thông tin không chính xác khiến hoạt động kinh doanh hàng lậu, hàng giả thêm phức tạp.

Lực lượng QLTT TP.HCM phối hợp tổ công tác 368 kiểm tra một cửa hàng quận 1, TP.HCM có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu lớn. Ảnh: LINH SƠN

Theo ông Đạt, việc tạo lập tài khoản dùng thông tin giả để bán hàng trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến hiện nay rất phổ biến, khó xác định đối tượng, nơi chứa trữ hàng hoá vi phạm để kiểm ra xử lý.

Ngoài ra, việc giao dịch qua điện thoại, tin nhắn môi trường internet và giao nhận hàng hoá qua dịch vụ giao nhận là phổ biến, với số lượng ít, rất cơ động QLTT cũng khó phát hiện.

Hoặc khi phát hiện, kiểm tra xử lý, đối tượng cho rằng họ không thiết lập website TMĐT, các trang mạng xã hội để kinh doanh hàng vi phạm mà có người khác giả mạo.

Riêng các chủ sàn TMĐT có thể căn cứ quy định để đề nghị cung cấp danh sách, thông tin tên, địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc tên, địa chỉ thường trú cá nhân có kinh doanh sản phẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên sàn để có căn cứ tiến hành thẩm tra…

Tuy nhiên, trường hợp này cũng rất khó khăn do các tổ chức cá nhân khi đăng kí với chủ sàn giao dịch TMĐT thường thông tin không đúng sự thật.

“Đối với các trang mạng xã hội hoạt động trên nền tảng di động có nhiều người tham gia mua bán trực tuyến hiện nay chưa có quy định rõ ràng chế tài xử phạt. Hoặc nếu có thì các trang mạng xã hội, người kinh doanh là các tổ chức cá nhân nước ngoài không có đại diện tại Việt Nam sẽ xử phạt như thế nào”, ông Đạt nói.

Ông Đạt cho rằng, để giải quyết những khó khăn trên, Cục QLTT TP.HCM kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế hoặc sửa đổi bổ sung nghị định 52/2013-NĐ-CP về TMĐT được sửa đổi bổ sung tại nghị định 08/2018-NĐ-CP.

 

Tăng cường kiểm tra hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ

Theo ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục QLTT TP.HCM, lương thực thực phẩm, rượu bia, thuốc lá…là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp tết. Vì thế, các đối tượng tìm mọi cách để đưa hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả về TP.HCM tiêu thụ.

Do đó, Cục QLTT tăng cường phối hợp với các lực lượng biên phòng, hải quan,...tiếp tục thực hiện làm sao ngăn chặn hiệu quả hoạt động buôn lậu trong dịp này.

Đồng thời thực hiện nghiêm kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, gian lận thương mại đảm bảo ATTP  trước trong và sau tết, Cục chỉ đạo các đội phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng địa phương.

Phối hợp với cơ quan thanh tra chuyên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát ở các địa bàn, nhất là các siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối để đảm bảo hạn chế thấp nhất các mặt hàng không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ mà bà con thường tiêu dùng nhiều trong dịp tết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm