Ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, cho biết: Sau khi báo chí đăng những vấn đề liên quan đến đơn khiếu nại của ông Trương Đình Công Vĩnh (TP.HCM) nghi ngờ sản phẩm của Công ty Con Cưng có dấu hiệu tem nhãn gốc bị cắt và thay thế bằng tem nhãn Con Cưng Fashion. Bộ trưởng Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phải xác minh làm rõ thông tin đúng hay sai để có xử lý.
Theo đó, ngày 22-7, quản lý thị trường TP.HCM phối hợp Tổ công tác 334 do ông Trần Hùng làm tổ trưởng tiến hành kiểm tra một số cửa hàng Con Cưng quận 1, quận 3, quận 6 trên địa bàn thành phố để xác minh theo yêu cầu chỉ đạo của bộ trưởng Bộ Công Thương và Cục Quản lý thị trường.
Ngoài các sản phẩm ghi made in Việt Nam còn có made in Thai Lan
Ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ công tác 334, cho biết khi kiểm tra thực tế nhận thấy có một số nghi vấn. Chẳng hạn kiểm tra ngẫu nhiên một bộ quần áo trẻ em thấy chữ Made in Thai Lan trực tiếp in trên quần áo. Bên cạnh đó, còn có một nhãn mác gắn trên móc treo lủng lẳng, trên nhãn này có ghi giá, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, mã vạch… Về hình thức thì tuân thủ đúng quy định pháp luật nhưng khi kiểm tra mã vạch có đúng xuất xứ Thái Lan thì không hiện ra.
Tiếp tục kiểm tra sản phẩm kem massage bụng TITIONE được bày bán ở đây, trên nhãn ghi là Sản xuất bởi Công ty TNHH Mỹ phẩm TITIONE, số điện thoại 0283 6361358; Fax 02836361359, TSC: 170 tổ 8, ấp Long Hòa, Long Hồ, Vĩnh Long, Việt Nam. Tel: 070 3957172, Fax 070 3957297. Website titione.com, email: mptitione@gmai.com. HSD 3 năm kể từ ngày sản xuất in trên bao bì. Khối lượng tịnh 350 g.
Tuy nhiên, thực chất trên thân chai mỹ phẩm này lại ghi Sản xuất bởi Công ty TNHH G&C, địa chỉ văn phòng 413 đường số 1, phường Bình Trị đông B, quận Bình Tân…
“Đây là dấu hiệu chúng tôi nghi vấn có gian lận thương mại. Tuy nhiên, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng khác làm rõ để xử lý theo đúng quy định pháp luật” - ông Hùng nói.
Cán bộ QLTT TP.HCM kiểm tra thông tin nhãn hàng hóa trên một sản phẩm thời trang trẻ em
Ông Trần Hùng, tổ trưởng Tổ công tác 33 4 (phải) trao đổi cùng ông Nguyễn Văn Bách, Chi cục phó Chi cục QLTT TP.HCM, khi nghi ngờ về nguồn gốc của của một sản phẩm trẻ em.
Một sản phẩm kem tan mỡ bụng nhưng của hai công ty?
Đến chiều 22-7 các đội quản lý thị trường vẫn đang tiến hành kiểm tra chưa có kết luận cụ thể. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết qua kiểm tra ban đầu nhận thấy có dấu hiệu vi phạm về quy định ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ. Lực lượng quản lí thị trường TP.HCM tiếp tục làm việc để làm rõ.
Theo ông Bách, hiện nay quản lý thị trường tiếp tục làm rõ nếu phát hiện vi phạm sẽ báo cáo và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, trả lời cho nhân dân dư luận về những vấn đề báo chí nêu vừa qua, không để dư luận bức xúc.
Trước đó, công ty khi Con Cưng đã lên tiếng vấn đề này. Công ty cho rằng sản phẩm mà ông Vĩnh mua có lỗi kỹ thuật. Số lượng sản phẩm đã bán cho khách hàng 3.942 sản phẩm, có 47 sản phẩm khách hàng đã mua phải thu hồi. Số lượng sản phẩm đã thu hồi từ hệ thống là 5.982 sản phẩm để trả hàng nhà sản xuất
Công ty khẳng định ngoài vấn đề kỹ thuật, chất lượng sản phẩm vẫn được đảm bảo. Đối với sự cố này, ngay khi nhận phản hồi từ khách hàng, để tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, Con Cưng đã lập tức thu hồi toàn bộ lô hàng này trên toàn bộ hệ thống cửa hàng và từ những khách hàng đã mua sản phẩm.
Đồng thời Con Cưng cũng rà soát lại và củng cố quy trình kiểm soát chất lượng hàng hóa để đảm bảo đưa sản phẩm trực tiếp từ nhà sản xuất đến tay người dùng. Và kiểm soát ngày một tốt hơn chất lượng sản phẩm với mục tiêu tất cả sản phẩm tại Con Cưng đều có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng, đa dạng chủng loại với giá phù hợp.