Theo Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, có 61% người tiêu dùng khi được hỏi cho biết thời trang là mặt hàng được mua nhiều nhất qua online và có đến 49% người tiêu dùng cho biết mỹ phẩm là sản phẩm được mua qua online.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam số lượng người tiêu dùng kết nối - những người thường xuyên kết nối với Internet, đồng thời là những người có mức sẵn sàng chi tiêu cao trong năm 2015 có khoảng 23 triệu người. Dự đoán năm 2020 sẽ tăng gần như gấp đôi, đạt 40 triệu người.
Ngoài ra, chi tiêu hằng năm của người tiêu dùng kết nối tại Việt Nam sẽ tăng từ 50 tỉ USD trong năm 2015 lên đến 99 tỉ USD trong năm 2025. Đến năm 2025, ước tính họ sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hằng năm.
Người tiêu dùng đang chọn mua hàng thời trang giảm giá
Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc trang thương mại điện tử Vuivui.com nhận xét: Người tiêu dùng có xu hướng chấp nhận rủi ro khi mua hàng online. Chẳng hạn họ có thể mua cái áo về nhưng sau đó thấy không phù hợp có thể đem cho hoặc không dùng.
“Chợ online có nhiều hàng hóa để người tiêu dùng chọn lựa. Đối với sản phẩm giá rẻ thì niềm tin về nguồn gốc, chất lượng hàng hóa là rất khó. Hoặc nếu người tiêu dùng lỡ mua hàng rồi mà không ưng ý thì không biết làm sao” - ông Trọng cho biết.
Ông Trọng cũng nhận định tiềm năng của thương mại điện tử ở Việt Nam còn lớn, nhất là ở ngành hàng thời trang và mỹ phẩm. Sự khác biệt mà trang thương mại điện tử này mang đến cho khách hàng là chính sách đổi trả. Trong vòng bảy ngày, khách có thể đổi hoặc trả lại và có thể gọi nhân viên giao nhận đến tận nhà để thu hồi sản phẩm hoặc đến bất kỳ siêu thị thegioididong.com hoặc điện máy xanh nào để đổi trả…